Sản xuất bước đầu được phục hồi
Sau bão số 3, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã phối hợp cùng các địa phương nhanh chóng triển khai các giải pháp khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, các địa phương trong tỉnh đã triển khai gieo trồng được khoảng 6.960ha cây vụ đông, cụ thể diện tích cây ngô 1.040ha; cây khoai lang 1.048ha; cây khoai tây 311ha; cây rau các loại 4.950ha; cây hoa 385ha. Đối với 5 tấn giống ngô nếp HN88 được hỗ trợ, nông dân đã triển khai trồng với diện tích 250ha và đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Cơ bản 100% các cơ sở chăn nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại đã thực hiện cải tạo, sửa chữa chuồng trại, dọn dẹp vệ sinh và triển khai tái đàn để đảm bảo cung ứng nhu cầu về thực phẩm. Bên cạnh đó, dự án chăn nuôi tập trung của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Greentech (huyện Hải Hà) đã bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối tháng 10/2024 với quy mô nuôi theo kế hoạch 5.000 lợn nái, 20.000 lợn cai sữa và 40.000 lợn thịt mỗi lứa, dự kiến cung cấp 15 triệu kg thịt lợn hơi mỗi năm, góp phần đảm bảo nhu cầu thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nhất là các tháng cuối năm.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, 100% diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại đã được rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại và đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ theo quy định. Người dân đã thực hiện khai thác, tận thu đối với các diện tích bị thiệt hại.
Ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể phục hồi, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh để triển khai đồng bộ các giải pháp sản xuất đạt hiệu quả.
Về nhu cầu giống và công tác sản xuất giống phục vụ sản xuất lâm nghiệp năm 2025, Quảng Ninh đặt kế hoạch triển khai trồng 30.380ha rừng, nhu cầu gần 57 triệu cây giống lâm nghiệp. Hiện nay, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh đang sản xuất với số lượng 100 triệu cây nên đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất trong tỉnh.
Trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh thực hiện rà soát và giao mặt nước cho người dân nuôi trồng thủy sản. Tính đến ngày 08/11/2024, 100% các xã ven biển Vân Đồn đã hoàn thành giao mặt biển cho gần 400 hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, hoàn thành việc khôi phục giàn bè và thả giống mới, trong đó có hơn 100 hợp tác xã và gần 300 hộ dân với tổng diện tích nuôi thả mới gần 1.000ha.
Tại thị xã Quảng Yên, đã tiến hành giao mặt nước cho 420 hộ, gần 200 hộ đã thả giống mới hoặc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thả giống mới. Ước tính đến thời điểm này, trên 50% cơ sở nuôi nhuyễn thể đã khôi phục và thả giống mới; các cơ sở nuôi cá biển lồng bè đã thực hiện nuôi thả cá kích cỡ lớn để kịp cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và hoàn thiện công tác sửa chữa, nâng cấp lồng bè nuôi sẵn sàng cho vụ nuôi mới.
Về nuôi tôm, các hộ nuôi bán thâm canh, quảng canh tiếp tục duy trì sản xuất (ít chịu ảnh hưởng bão), các hộ nuôi tôm công nghiệp (trong ao bạt, nhà bạt…) tập trung hoàn thiện ao nuôi, một số đã tiến hành thả giống vụ mới nhưng số lượng không nhiều do đã chuyển sang vụ đông.
Nhiều khó khăn còn tồn tại
Tuy nhiên, hiện công tác triển khai khắc phục hậu quả bão số 3 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tiến độ triển khai khắc phục sản xuất sau bão gặp rất nhiều khó khăn do bên cạnh thiệt hại về sản xuất thì rất nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà ở… cần phải khắc phục sớm để ổn định đời sống.
Lĩnh vực lâm nghiệp diện tích thiệt hại quá lớn nên trong thời gian ngắn các địa phương không thể kịp thời thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại; việc khai thác tận thu lâm sản sau thiệt hại rất khó khăn do thiếu nhân lực khai thác rừng; chi phí vận chuyển, khai thác cao trong khi giá trị lâm sản bị thiệt hại giảm. Các khu vực rừng gãy đổ đến nay có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn trong mùa hanh khô.
Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 cùa Chính phủ về cơ chế, chính sách hồ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh quy định đối tượng áp dụng là “Hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối”, không bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức (là những đối tượng chịu thiệt hại rất nặng nề của bão số 3).
Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro thiên tai trên biển chưa có quy định cụ thể các mức hỗ trợ thiệt hại đối với các phương tiện sản xuất (tàu, thuyền, ngư cụ ) bị mất, bị hư hỏng nặng; hỗ trợ chi phí trục vớt phương tiện sản xuất (tàu, thuyền, ngư cụ) bị chìm hoặc bị trôi dạt.
Để giải đáp những thắc mắc của người dân trong công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão, sáng 5/12, UBND TP Uông Bí phối hợp cùng Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp khôi phục, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sau bão tại Quảng Ninh”. Tọa đàm có sự tham dự của ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cùng hơn 50 đại biểu là các HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.
Tại tọa đàm, nhiều câu hỏi về công tác hỗ trợ giống cây trồng, giải pháp kỹ thuật, xử lý sâu bệnh, phục hồi sức khỏe cho cây trồng cũng như công tác hỗ trợ vệ sinh môi trường chăn nuôi, tiêu độc khử trùng, hỗ trợ con giống để nhanh chóng tái đàn… đã được các HTX, nông dân gửi đến lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Ninh. Các cán bộ chuyên môn thuộc Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã giải đáp một cách đầy đủ, chi tiết nhiều thắc mắc của người dân.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Ngô Tất Thắng nhấn mạnh ngay sau bão, người dân Quảng Ninh đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất nông nghiệp. “Chúng ta phải thích ứng với thảm họa, phát huy sức mạnh nội lực của người dân từ những việc như đi tìm kiếm lồng bè, thu dọn rừng… Sở NN-PTNT đã và đang rà soát các quy trình đã ban hành, xây dựng tiêu chuẩn trang trại nuôi trên biển, các kỹ thuật về neo, tháo lắp cơ sở hạ tầng nuôi biển để hướng dẫn người dân. Từ đó giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra bão lớn”, ông Thắng cho biết.
Cũng theo ông Thắng, giải pháp về kinh tế ngắn hạn là trong thời gian này, ngành trồng trọt tỉnh cần tập trung vào cây ngắn ngày, cây vụ đông; thủy sản tập trung vào nhuyễn thể, nuôi đáy, giảm chi phí đầu tư ban đầu, nhanh thu hoạch. Về giải pháp thị trường, cần tăng cường truyền thông sản phẩm trong tỉnh và ngoại tỉnh, tập trung cho thị trường xuất khẩu và thị trường Tết.
Từ sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của chính quyền và người dân, thời gian tới, ngành nông nghiệp Quảng Ninh hứa hẹn sẽ phục hồi và đạt mức tăng trưởng như thời điểm trước bão.
Mức hỗ trợ của Nghị định 02 ban hành từ năm 2017 đến nay không còn phù hợp với tình hình thực tế (lương tối thiểu vùng đã tăng 32%, quy mô kinh tế của tỉnh đã tăng khoảng 2,2 lần so với năm 2017).
Về điều kiện hỗ trợ, người dân có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận, tuy nhiên hiện còn nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ chưa theo quy hoạch, chưa thực hiện kê khai ban đầu hoặc vùng nuôi thủy sản hiện chưa được giao diện tích mặt nước nên địa phương không đủ điều kiện xác nhận. Nhiều đối tượng cây trồng vật nuôi, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa có trong các danh mục hỗ trợ.
Nguồn: nongnghiep.vn