Quảng Ninh luôn xác định phát triển HTX nông nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đặc biệt, đây còn là xu thế chung của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại; là cách thức để liên kết, hợp tác, nâng cao hiệu quả của sản xuất nhỏ, kinh tế hộ nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 921 HTX đang hoạt động, trong đó HTX nông nghiệp, tổng hợp là 710. Trong năm 2024, có 162 HTX nông nghiệp được thành lập mới, cao gấp 8 lần so với kế hoạch đề ra. Theo thống kê, doanh thu bình quân mỗi năm của HTX đạt trung bình 870 triệu đồng/ HTX, lãi bình quân đạt 210 triệu đồng/ HTX, thu nhập bình quân của mỗi thành viên HTX nông nghiệp đạt khoảng 5,8 triệu đồng/ tháng.
Toàn tỉnh hiện có 83 HTX nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP, từ đó tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều HTX đã chi hàng tỷ đồng để đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại như hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt, bán tự động, xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng…
Có thể kể đến một số HTX như HTX dịch vụ và TMSXKD Thành Lợi (TX Quảng Yên) với dây chuyền máy ấp trứng để sản xuất giống, HTX Nông nghiệp Hương Việt (TP Uông Bí) với hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, HTX nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả)…
Anh Nguyễn Bá Mạnh (Giám đốc HTX nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả) thông tin: “Quy trình nuôi tôm tại đây được xử lý khép kín, từ sử dụng nguồn nước, thả nuôi, cho ăn đến kiểm soát dịch bệnh. Tôm nuôi được thực hiện theo 3 giai đoạn, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập giống đến khi thu hoạch bởi các kỹ sư nuôi trồng có nhiều kinh nghiệm”. Theo ước tính, nếu thuận lợi, mỗi năm HTX có thể xuất ra thị trường từ 450 đến 500 tấn tôm.
Cùng với đó, để góp phần phân phối, tiêu thụ và lan tỏa các sản phẩm của địa phương, các HTX đã và đang tích cực liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh. Đơn cử có thể kể đến HTX dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, địa chỉ được nhiều bếp ăn công nghiệp tin tưởng lựa chọn. Bà Lê Thị Thà, Giám đốc HTX chia sẻ:
“Hiện nay, mỗi tháng chúng tôi cung cấp ra thị trường hơn chục tấn nông sản các loại như bí xanh, khoai tây, cà chua, su su, rau cải, rau dền…, tất cả đều được trồng theo quy trình VietGAP, giúp đảm bảo chất lượng cho từng sản phẩm. Phần lớn nông sản sẽ được cung cấp cho các bếp ăn công nghiệp của nhiều đơn vị, xí nghiệp ngành than, điện trên địa bàn. Ngoài ra tôi còn đang liên kết với doanh nghiệp Hàn Quốc để xây dựng nhà lưới trồng rau hữu cơ”.
HTX hiện đang có vai trò đặc biệt quan trọng, đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế – xã hội, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn để qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và ổn định an ninh trật tự. Thông qua mô hình HTX, nhiều xã viên đã vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.
Xác định vai trò của HTX trong phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, mang lại hiệu quả cao. Trong đó có thể kể đến Kiện toàn Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tư nhân, HTX tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Kế hoạch về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu; hỗ trợ các HTX ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch, xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ…
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của các mô hình HTX nông nghiệp, hướng đến mục tiêu trở thành mô hình kinh tế nòng cốt tại khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng sống của bà con nông dân.
Nguồn: nongnghiep.vn