Đầu năm 2024, sau khi được UBND thị trấn Cam Lộ (Cam Lộ, Quảng Trị) vận động, gia đình ông Nguyễn Kha tại khu phố 4 đã di dời chăn nuôi gồm hàng chục con lợn và gà vào khu phố 9 để tiếp tục chăn nuôi. Theo ông Kha, việc di dời này là cần thiết, hợp với thực tế hiện tại, đảm bảo mỹ quan đô thị và cũng là điều kiện để tiến lên chăn nuôi quy mô lớn hơn.
Theo ông Kha, chăn nuôi trong khu dân cư, nếu không xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường. Di dời đến điểm cho phép chăn nuôi, vất vả hơn nhưng cũng là điều kiện để phát triển lên chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi tập trung.
Về vùng chăn nuôi mới chỉ cách nhà chừng 2km, ông gia tăng đàn gà lên 3.000 con/lứa, thả nuôi dưới vườn cao su. Gia đình ông hiện cũng đang tập trung xây mới, sửa chữa chuồng trại để chuẩn bị tái thả đàn lợn với số lượng lớn hơn lúc còn nuôi ở khu vực không được phép.
“Tôi xác định rồi, hoặc là bỏ hẳn hoặc di dời chăn nuôi. Nhưng đã vào đây đầu tư chăn nuôi bài bản luôn. Như tôi còn may mắn vì có vườn cao su, có thể làm trang trại chăn nuôi. Nhiều hộ khác họ không có điểm di dời, địa phương cũng không quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung nên phải bỏ”, ông Kha cho hay.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Viết Thanh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cam Lộ cho rằng, chủ trương di dời là hợp với xu thế chăn nuôi hiện nay. Điều này vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, giảm áp lực môi trường khu vực trung tâm; từng bước xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi an toàn sinh học và hướng tới chăn nuôi quy mô lớn. Nhưng điều ông Thanh băn khoăn là chi phí hỗ trợ theo quy định thấp nên nhiều hộ sẽ phải bỏ cuộc vì để đầu tư cơ sở chăn nuôi mới rất tốn kém.
Tại huyện Hải Lăng, theo thống kê, có 15 hộ/cơ sở chăn nuôi cần phải di dời, tập trung tại thị trấn Diên Sanh. Đến thời điểm này, 3 hộ đã dừng hẳn chăn nuôi, số còn lại, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đang vận động di dời.
Theo ông Văn Ngọc Tiến Đức, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hải Lăng, địa phương đã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung với diện tích hàng trăm ha. Tuy nhiên, việc vận động cũng gặp khó khăn do vùng quy hoạch cách thị trấn Diên Sanh 6-7km. Với chăn nuôi nông hộ, thuận tiện để có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp là yếu tố đặt lên hàng đầu.
“Chăn nuôi tại vùng quy hoạch sẽ giúp nông dân tiến tới chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn, giảm ô nhiễm vùng tập trung đông dân cư. Nhưng tập quán chăn nuôi nông hộ chủ yếu nhỏ lẻ, thuận tiện và không phải chịu áp lực về các loại giấy tờ về bảo vệ môi trường”, ông Đức cho hay.
Cũng theo ông Đức, nếu vận động được các hộ về vùng chăn nuôi tập trung, vấn đề quản lý dịch bệnh phải được làm rốt ráo hơn. Mục tiêu ban đầu khi đưa ra khi quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung là để kêu gọi các doanh nghiệp lớn về đầu tư. Nhưng các doanh nghiệp lớn sẽ rất ngại khi vùng quy hoạch có cả các nông hộ chăn nuôi.
“Các doanh nghiệp lớn rất coi trọng vấn đề quản lý dịch bệnh. Trong khi đó, chăn nuôi nông hộ, nếu không được siết chặt quản lý sẽ gây ra rất nhiều nguy cơ về dịch bệnh. Đây chính là yếu khiến nhiều doanh nghiệp chăn nuôi băn khoăn khi quyết định về đầu tư”, ông Văn Ngọc Tiến Đức, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hải Lăng chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn