Ngày 27/9, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Liên minh Đa dạng sinh học quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế triển khai thí điểm Sổ tay hướng dẫn xây dựng Dự án phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng (gọi tắt là sổ tay).
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 và sáng kiến “Bảo vệ hệ thống lương thực thực phẩm tại các vùng đồng bằng lớn ở châu Á để đảm bảo sinh kế và thích ứng với biến đổi khí hậu – AMD”, giai đoạn 2022 – 2024.
Sổ tay là tài liệu hướng dẫn cho cán bộ ngành về nông nghiệp, y tế, lao động và các tổ chức đoàn thể về xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát đánh giá Dự án Phát triển hệ thống lương thực thực phẩm, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các bên liên quan.
Sổ tay gồm 4 phần: Giới thiệu dự án phát triển hệ thống lương thực thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng; xây dựng dự án; giám sát, đánh giá kết quả thực hiện dự án; các phụ lục hướng dẫn thực hiện.
Ngày 12/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam với mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, dinh dưỡng cho người dân. Từ đó nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững do Chính phủ Việt Nam cam kết với Liên Hợp Quốc.
Trong giai đoạn từ 2018 – 2023, chương trình đã đóng góp vào sự phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại khu vực nông thôn.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, tiếp nối chương trình “Không còn nạn đói”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.
Hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được thành tích nổi bật trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và an ninh lương thực thực phẩm trong những năm qua.
Năm 2022, chỉ số an ninh lương thực toàn cầu của Việt Nam đạt 67,9 điểm, xếp hạng 46/113 quốc gia. Trong đó, chỉ số giá cả lương thực hợp lý được đánh giá cao nhất với 84 điểm do cung cấp đủ nguồn cung với mức giá tương đối ổn định.
Tuy nhiên, tình trạng suy dinh dưỡng của người dân, đặc biệt là trẻ em vùng khó khăn vẫn ở mức cao so với đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, tạo ra sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền trên cả nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai; tài nguyên đất và nước bị suy giảm về chất và lượng; dịch bệnh mới nổi trên động thực vật và con người; thay đổi về nhu cầu tiêu dùng, tiêu chuẩn thị trường…
Trong khi đó, mục tiêu an ninh lương thực thực phẩm ngày nay không chỉ đảm bảo đủ gạo và các loại cây lương thực, mà còn phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và sinh kế cho người dân.
Điều này đặt ra yêu cầu phải có cách tiếp cận tổng hợp, liên ngành để giải quyết vấn đề an ninh lương thực thực phẩm, dinh dưỡng, gắn liền với các mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể là chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia.
Thúc đẩy nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự án phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng đã triển khai tập huấn, hỗ trợ cán bộ đến tận hộ gia đình tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, kiến thức sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, an toàn.
Hỗ trợ vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất trong sơ chế, chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm để nâng cao giá trị nông sản, an toàn thực phẩm và đảm bảo dinh dưỡng.
Nguồn: nongnghiep.vn