5 năm lập một kỷ lục
Những ngày cuối năm 2023, khi tìm kiếm từ khóa như “ngành hàng rau quả”, “xuất khẩu nông sản” sẽ đều thấy đặt cạnh những mỹ từ như “kỷ lục”, “phá kỷ lục”, hay “cao nhất lịch sử”. Sự thật là chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm, ngành hàng rau quả đã đạt mốc 4,2 tỷ USD, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời vượt kỷ lục kim ngạch xuất khẩu 3,81 tỷ USD của năm 2018.
Điều đáng ghi nhận là kỷ lục của ngành hàng rau quả được dàn trải đều tại các thị trường trọng điểm. Điển hình thị trường Trung Quốc, vào thời điểm phá kỷ lục xuất khẩu (đầu tháng 10/2023), xuất khẩu rau quả đã đạt trên 2,26 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 18%, Nhật Bản tăng 6%.
Xét về sản phẩm, sầu riêng tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh. Dù mới được ký nghị định thư vào nửa cuối năm 2022, mặt hàng này nhanh chóng gia nhập nhóm rau quả “tỷ đô” và xuất khẩu được hơn 1,2 tỷ USD trong vòng 8 tháng.
Không ngủ quên trong chiến thắng, ngành hàng rau quả duy trì được tốc độ xuất khẩu. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả năm 2023 ước đạt 5,6 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay, vượt 40% kế hoạch đầu năm và tăng 65,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Rau quả cũng dẫn đầu nhóm nông sản, vượt các mặt hàng chủ lực, có truyền thống lâu nay như gạo, hạt điều, cà phê, sắn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, một trong những nguyên nhân giúp xuất khẩu rau quả liên tục thiết lập kỷ lục mới là do Trung Quốc và nhiều quốc gia tăng mua sản phẩm “Made in Vietnam”, nhất là khi quốc gia tỷ dân ngày càng tạo thuận lợi cho nông sản Việt thông qua việc ký kết một loạt nghị định thư.
Sầu riêng là một ví dụ. Được xem là mặt hàng xuất khẩu non trẻ, nhưng sầu riêng luôn chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Song song với đó, nhiều loại rau củ của Việt Nam như khoai lang, ớt xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 6-9 lần so với cùng kỳ 2022. Sầu riêng, mít, khoai lang được cấp thêm nhiều mã vùng trồng giúp hoạt động xuất khẩu nhộn nhịp.
Cục BVTV nhận xét, các mặt hàng rau quả Việt ngày càng rộng cửa xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Cục đang tích cực đàm phán mở cửa thị trường cho sản phẩm chanh leo sang Hoa Kỳ, Australia; bưởi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ; sầu riêng sang Ấn Độ để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.
Tập trung vào những mặt hàng chủ lực
Xuất khẩu rau quả lập kỷ lục là tín hiệu đáng mừng với toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, với ông Đặng Phúc Nguyên, làm thế nào để niềm vui này được duy trì tiếp qua các năm là một vấn đề.
Lấy ví dụ về mặt hàng sầu riêng, ông Nguyên tiết lộ, hiện một số quốc gia có giá trị xuất khẩu lớn như Thái Lan, Malaysia đều có 2 loại sản phẩm là quả tươi và cấp đông. So với sầu riêng tươi, sầu riêng cấp đông xuất khẩu không bị phụ thuộc vào mùa vụ. Qua quy trình chế biến, đóng gói, sản phẩm bảo quản được lâu hơn, nhưng giá trị dinh dưỡng không thay đổi, đồng thời giữ được hương vị tươi ngon gần như quả tươi.
Doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, theo đại diện Hiệp hội Rau quả, có thể thu về giá trị kinh tế cao hơn so với sản phẩm hoa quả tươi. “Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ sầu riêng rất lớn. Đó là cơ hội để Việt Nam đưa sản phẩm cấp đông thâm nhập vào thị trường này”, ông Nguyên phân tích.
Dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc dự báo khoảng 20 tỷ USD và cả thế giới là gần 30 tỷ USD. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng giai đoạn 2020 – 2025 khoảng 7%/năm. Dù tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, nhưng thị phần của hàng Việt Nam mới đạt khoảng 5%. Dư địa cho loại trái cây này còn rất lớn.
Sự vươn lên của sầu riêng cộng hưởng với sự sụt giảm của thanh long – loại quả nhiều năm dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu – đưa ông Đặng Phúc Nguyên đến nhận định, rằng phải tập trung vào những mặt hàng chủ lực nếu muốn tiếp tục duy trì đà xuất khẩu.
Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Chủ tịch Tập Cận Bình, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi của Việt Nam xuất sang nước này. Cũng trong chuyến thăm này, 2 bên đã ký nghị định thư về xuất khẩu dưa hấu.
Đánh giá về thời cơ năm 2024, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả lưu ý về sản phẩm dừa tươi. Đây là ngành hàng “tỷ đô”, có giá trị kinh tế cao. Nếu được “cởi trói” sang thị trường Trung Quốc, chắc chắn sẽ tạo một cú hích lớn cho toàn ngành hàng.
Chung quan điểm, ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam thông tin, cơ hội cho trái dừa không nhỏ nhưng tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng quy trình đạt chuẩn xuất khẩu chưa nhiều. “Khi nhiều nước mở cửa thị trường, doanh nghiệp sẽ đầu tư vội vã. Nếu như vậy, sản phẩm sẽ có ít thời gian đầu tư nghiên cứu kỹ thị trường,” ông bày tỏ.
Cẩn trọng với thị trường xa, khó tính
Những năm vừa qua, một số loại rau quả có thương hiệu của Việt Nam đã đến được với thị trường khó tính. Tiêu biểu có vải thiều Lục Ngạn tới Hoa Kỳ, nhãn Sông Mã sang Hà Lan…
Bà Hồ Thị Ngọc, Giám đốc đối ngoại Công ty CTA, đơn vị phối hợp để đưa trái vải thiều cập bến Houston hồi tháng 6 năm nay thừa nhận, để giữ được độ tươi, ngon, trái vải bắt buộc phải được vận chuyển bằng đường hàng không. Do đó, chi phí bị đội lên khá nhiều, thường khoảng hơn 200.000 đồng/kg.
Ngoài ra, khi thâm nhập những thị trường như Hoa Kỳ, nông sản và các mặt hàng thực phẩm phải đảm bảo các tiêu chí liên quan đến bao bì về nội dung nhãn mác, quy chuẩn thành phần, cảnh báo sản phẩm… theo tiêu chuẩn FDA. Bất cứ nhà xuất khẩu nào, nếu muốn đưa sản phẩm vào Hoa Kỳ, đều phải tuân thủ theo những quy định của FDA và có được giấy chứng nhận FDA, do Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp.
“Yếu tố quan trọng bậc nhất để đạt chứng nhận FDA là doanh nghiệp cần có thông tin liên hệ văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ quy định, mỗi cơ sở nước ngoài chỉ được chỉ định một đại lý của Hoa Kỳ. Đại lý này phải cư trú tại Hoa Kỳ hoặc duy trì một địa điểm kinh doanh tại Hoa Kỳ, đồng thời sẵn sàng trả lời điện thoại hoặc có nhân viên sẵn sàng trả lời điện thoại trong giờ làm việc bình thường khi FDA kiểm tra”, bà Ngọc chia sẻ.
Cùng với đó là sự tham gia của Đại sứ quán nước sở tại, mà trực tiếp là Tham tán Nông nghiệp. Những người này sẽ giữ vai trò hỗ trợ, liên hệ đầu mối; đồng thời giới thiệu, quảng bá nhiều sản phẩm đặc trưng của Việt Nam đến nước bạn.
Đưa nhiều rau quả hơn tới thị trường khó tính, yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác như Hoa Kỳ, EU… là một cách để nâng cao giá trị. Tuy nhiên, bà Ngọc cho rằng để làm được việc này trên quy mô lớn trong bối cảnh hiện tại là một thách thức.
Theo thống kê của Hiệp hội Rau quả, thị phần chính của xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2023 vẫn là Trung Quốc, khoảng trên dưới 60%. Những thị trường còn lại hầu hết dưới 5%.
Do đó, Tổng Thư ký Đặng Phúc Nguyên tin, doanh nghiệp, người dân trong nước có thể học hỏi kinh nghiệm của Mexico. Khoảng 90% nông sản của quốc gia Trung Mỹ được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, trong khi tỷ lệ này của Việt Nam mới dừng ở khoảng 50-60%.
Bộ NN-PTNT đang đẩy mạnh đàm phán để quả ớt và dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là những mặt hàng chiến lược, có giá trị xuất khẩu lên tới hàng tỷ USD.
Cùng với sầu riêng đông lạnh, nếu được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 có khả năng duy trì được đà tăng trưởng. Ngoài ra, các biện pháp đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa, thí điểm cửa khẩu thông minh tại các cặp cửa khẩu Tân Thanh – Pò Chài, Hữu Nghị sẽ hỗ trợ tăng hiệu suất thông quan thời gian tới.
Nguồn: nongnghiep.vn