Chủ trương của sự đồng thuận
Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre xác định việc phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm. Với nỗ lực của hệ thống chính trị, đoàn thể và nhân dân, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên bản địa một cách hiệu quả. Ứng dụng khoa học công nghệ gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, chương trình mỗi xã một sản phẩm đã phát huy hiệu quả thế mạnh sẵn có về sản phẩm đặc trưng của ngành nghề nông thôn, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020 định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt tại Quyết định số 2882/QĐ-UBND ngày 28/12/2018. Trọng tâm của Chương trình là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị. Theo đó, địa phương đẩy mạnh phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống khu vực nông thôn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Bến Tre phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó có 30 sản phẩm đạt 5 sao hoặc tiềm năng 5 sao; ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng, ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phấn đấu ít nhất có 20% chủ thể OCOP là HTX, 10% chủ thể làng nghề có sản phẩm OCOP được công nhận.
Kết hợp của khoa học và công nghệ
Hiện nay, tỉnh Bến Tre đã cấp 100 nghìn tem QR Code cho 100 hộ tại 03 vùng thí điểm dự án sản phẩm Bưởi da xanh; hỗ trợ 60 nghìn tem QR Code cho các HTX/THT nông nghiệp cho sản phẩm bưởi da xanh, sầu riêng, con tôm. Tất cả các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều được xúc tiến quảng bá thương hiệu trên nền tảng thương mại điện tử. Trên 15% các sản phẩm chủ lực của các xã nông thôn mới nâng cao được kinh doanh qua kênh thương mại điện tử.
Trong thời gian qua, Bến Tre có 252 sản phẩm OCOP, trong đó 192 sản phẩm 3 sao, 56 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 5 sao với 112 chủ thể OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP là thế mạnh của tỉnh như dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, gạo sạch, rau sạch, nghêu, cua biển, các loại bánh mứt, dịch vụ du lịch.
Về ứng dụng khoa học, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến đối với các hoạt động sản xuất quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP được công nhận và đẩy mạnh. Các dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị được các doanh nghiệp, HTX/THT quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm OCOP.
Địa phương cũng đã triển khai các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ như: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm OCOP. Ngoài ra, nhằm bảo vệ vùng sản xuất cây dừa, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh thực hiện nuôi ong ký sinh từ đề tài “Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre”.
Việc ứng dụng các giải pháp sinh học và quản lý dịch hại tổng hợp IPM trong khâu kiểm soát sâu đầu đen hại dừa, góp phần hạn chế thiệt hại trên cây dừa, nâng cao chuỗi giá trị và sự phát triển ngành sản xuất dừa trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, địa phương còn tập trung nhân rộng giải pháp tưới tiêu tiên tiến, chuyển giao quy trình ủ lên men thức ăn cho bò thịt, chưng cất tinh dầu từ phế phụ liệu trái bưởi.
Qua 5 năm nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cũng như cải thiện đời sống nhân dân ở khu vực nông thôn. Góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương trình còn tạo điều kiện để người dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, sáng tạo khởi nghiệp, từng bước tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nắm bắt tốt thông tin thị trường, từ đó quyết định lựa chọn và phát triển sản phẩm đạt chất lượng cao, có giá trị tăng cao, đặc biệt là tạo ra nhiều sản phẩm mang đậm nét đặc trưng của quê hương xứ dừa.
Nguồn: nongnghiep.vn