Nhập sừng trâu bò về chế tác hàng mỹ nghệ
Làng nghề truyền thống sừng mỹ nghệ Đô Hai (xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) hơn một trăm năm tuổi hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất, trong đó khoảng 10 hộ quy mô lớn. Nghề chế tác sừng đã tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động là người dân địa phương.
Trong số đó, nghệ nhân trẻ Nguyễn Minh Trí là một trong những gương mặt tiêu biểu của làng nghề Đô Hai kiên trì gìn giữ nghề truyền thống, nỗ lực thổi sức sống mới vào sản phẩm quê hương.
Nghệ nhân Nguyễn Minh Trí chia sẻ, trong những khó khăn mà làng nghề đang đối mặt, có sự khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu vào. Do chế tác đồ mỹ nghệ (đồ trang sức, sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng sừng, lược chải tóc…) nên nguyên liệu của làng nghề 100% là sừng trâu, sừng bò.
Nhiều năm qua, làng nghề Đô Hai có nguồn cung nguyên liệu sừng trâu, bò… từ làng nghề Thụy Ứng (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội). Khi nguyên liệu trong nước ngày càng khan hiếm, làng nghề Thụy Ứng không đủ nguyên liệu thô mà lại chuyển sang “hàng phôi” – sản phẩm chế tác thô sơ – về cho làng sừng Đô Hai gia công bán lại cho làng Thụy Ứng.
“Mỗi đơn đặt hàng gia công cho Thụy Ứng từ 200-500 sản phẩm/đơn. Xưởng của tôi sẽ hoàn thiện thành phẩm rồi bàn giao lại. Nguyên nhân chủ yếu, đó là do nguồn nguyên liệu sừng trâu bò thô ngày càng khan hiếm nên làng nghề nọ lại gia công cho làng nghề kia” – anh Trí lý giải.
Để giải quyết bài toán khó này, mấy năm gần đây, nghệ nhân Nguyễn Minh Trí cùng một số cơ sở trong làng đi tìm nguồn từ… châu Phi để nhập sừng về để chế tác.
“Do nguồn sừng trâu bò trong nước không có nhiều. Số đàn nuôi ngày càng suy giảm, người nuôi trâu bò chủ yếu lấy sức kéo nên chúng tôi phải liên hệ các công ty chuyên cung cấp nguyên liệu sừng nhập khẩu từ châu Phi về làm nguyên liệu”.
Trung bình 1 năm, xưởng của anh Trí nhập về 2 container cỡ lớn (40 feet) toàn sừng trâu, bò châu Phi, ước lượng gần 30 tấn. Sừng trâu bò châu Phi kích cỡ to, dài hơn giống trâu châu Á vốn là loại trâu nước. Ngoài ra, sừng trâu châu Á thành sừng mỏng, cong, phần đầu sừng vốn là đoạn đặc nhất thì lại ngắn, do đó, khi sử dụng để chế tác bị hao hụt đi rất nhiều.
Ngược lại, sừng trâu bò châu Phi kích thước to, dài gần gấp 2 sừng trâu châu Á. Phần đầu sừng đặc và dài tới trên 20cm rất thuận cho việc chế tác các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp như bộ tam đa, cây cảnh nghệ thuật bằng sừng… vốn là những sản phẩm có giá thành cao…
“Sừng trâu bò từ châu Phi nhập về Việt Nam qua đường biển Hải Phòng. Đây cũng không phải nguồn gốc từ động vật hoang dã, mục đích nhập khẩu cũng rõ ràng, minh bạch và tuân thủ các biện pháp kiểm dịch theo quy định của nhà nước” – anh Trí nói.
Thổi hồn cho làng nghề trăm tuổi
Thuộc thế hệ nghệ nhân trẻ 9x nhưng Nguyễn Minh Trí là một trong những gương mặt tiêu biểu của làng sừng Đô Hai.
Sinh ra trong gia đình có ba thế hệ theo nghề chế tác sừng mỹ nghệ, Nguyễn Minh Trí nuôi dưỡng tình yêu với nghề ngay từ khi còn nhỏ.
Năm 2021, Trí vinh dự nhận danh hiệu “Thợ giỏi tỉnh Hà Nam” do UBND tỉnh trao tặng. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, hiện tại, anh đang vận hành xưởng sản xuất với 5 thợ chế tác lành nghề.
Anh đã thay đổi tư duy làm nghề để vừa duy trì, nuôi sống được người lao động, vừa giữ gìn và phát triển làng nghề ngày càng bền vững, đó là thay đổi, đa dạng mẫu mã sản phẩm. Nếu trước đây, người thợ chỉ tập trung chế tác những sản phẩm mang tính giải trí, thẩm mỹ với giá thành cao như các con vật, tượng, các tích cổ như bộ tượng Tam Đa, “long, ly, quy, phượng”, “tùng, cúc, trúc, mai”, thì giờ anh Trí và các nghệ nhân đã làm ra những sản phẩm nhỏ gọn, có tính ứng dụng cao hơn, phục vụ đời sống nhân dân và dễ tiếp cận với khách hàng, chẳng hạn như doi ngựa, lược chải đầu, cặp tóc, đồ trang sức…
Sản phẩm do xưởng làm ra không chỉ tinh xảo mà còn có nét độc đáo riêng, mang tính sáng tạo và nghệ thuật. Trung bình một tháng cơ sở sản xuất của gia đình anh Trí làm từ 5.000-10.000 sản phẩm…
Bên cạnh việc sản xuất cho một số cơ sở Thụy Ứng, các hộ sản xuất trong làng đang đẩy mạnh liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Làng sừng Đô Hai đang chú trọng tìm hướng tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Việc thiếu kiến thức về hoạt động trực tuyến đã gây khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Trước đây, sản phẩm sừng mỹ nghệ chưa được người tiêu dùng trong nước để ý, làng nghề phải lặn lội sang tận Trung Quốc để chào hàng. Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, việc đặt hàng qua mạng, bán hàng online giúp người làng nghề ngồi ở nhà vẫn có thể bán hàng vượt biên giới lãnh thổ.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, các sản phẩm tiêu dùng ngày càng đơn giản và dễ sử dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng cao. Sự chuyển mình từ những sản phẩm mỹ nghệ cảnh ngày xưa sang các sản phẩm hiện đại như dụng cụ mát xa cho thấy sự thay đổi trong yêu cầu: các sản phẩm này cần được thiết kế không sắc nhọn, trơn tru, mịn màng và dễ chịu khi sử dụng. Một số loại sản phẩm đạt trình độ thủ công mỹ nghệ cao được xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Âu…
Quá trình sản xuất hiện nay đã có sự chuyển biến rõ rệt so với truyền thống của các cụ trong làng, với sự tham gia ngày càng nhiều của máy móc. Thay vì chỉ sử dụng các phương pháp thủ công như mài bằng lá cây hay vải, anh Trí hiện đang áp dụng nhiều loại máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc và tự mày mò để cải thiện quy trình sản xuất.
“Nghề sừng mỹ nghệ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực sản phẩm dân dụng tốt cho sức khỏe con người. Các sản phẩm này có thể phục vụ cho nhiều nhu cầu như chăm sóc sức khỏe trong Đông y, xoa bóp, huyệt đạo và mát xa, trị liệu.
Để làng nghề sừng mỹ nghệ ngày càng phát triển, làng nghề mong muốn sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Sự hỗ trợ này sẽ không chỉ thúc đẩy sản xuất mà còn giúp gìn giữ và phát huy giá trị của nghề truyền thống quê hương” – nghệ nhân trẻ Nguyễn Minh Trí chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn