Giải pháp bền vững dựa trên nền tảng khoa học
Trong hơn 7 triệu ha lúa gieo trồng ở Việt Nam mỗi năm, vùng ĐBSCL chiếm hơn 3,8 triệu ha, tương đương 53,5% tổng diện tích. 18 triệu người dân nơi đây sản xuất lương thực cho hơn 145 triệu người ở châu Á. Đây cũng là khu vực đối diện tình trạng xâm nhập mặn và khan hiếm nước tưới, với nhiều đợt hạn hán kỷ lục liên tiếp trong thập kỷ qua.
Hậu quả là 70% diện tích đất trồng lúa bị ảnh hưởng mặn và sản lượng lúa giảm tới 30%. Nguy hiểm hơn, tình trạng này được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng tới một diện tích canh tác nông nghiệp lớn hơn trong thời gian tới.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học lúa gạo vùng ĐBSCL đang hợp tác với Liên minh tư vấn về Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) triển khai dự án “Phục hồi các vùng châu thổ lớn của châu Á” (Asian Mega-Delta – AMD). Dự án nhằm tìm kiếm giải pháp tại các vùng có nguy cơ suy thoái thổ nhưỡng, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam. Các quốc gia tham gia Sáng kiến AMD sẽ cùng chia sẻ ứng dụng khoa học – công nghệ nhằm canh tác thông minh.
Năm 2022, Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải dựa trên cam kết toàn cầu tại Hội nghị COP26. Theo đó, Bộ NN-PTNT tăng cường triển khai chính sách, chương trình để đạt mục tiêu sản xuất nông nghiệp an toàn với môi trường. Trong khuôn khổ Sáng kiến AMD, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các tổ chức quốc tế và địa phương, thực hiện các mô hình tái sử dụng rơm rạ, phương pháp tưới ướt – khô xen kẽ, hay giải pháp công nghệ nhằm dự đoán, cảnh báo độ mặn trong sản xuất cây trồng…
Bản NDC cập nhật đã lần đầu tiên liệt kê phương pháp tưới ướt – khô xen kẽ là biện pháp giảm khí mê-tan trong nông nghiệp ở Việt Nam. Cùng các biện pháp canh tác thông minh, quản lý phụ phẩm trồng trọt, dự tính vào năm 2033, Việt Nam sẽ giảm 30% lượng phát thải so với năm 2020.
Tiếp cận đồng bộ
Theo TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, việc tham gia Sáng kiến AMD giúp Việt Nam nối dài thành công bước đầu của Sáng kiến hợp tác Nông nghiệp và Lương thực châu Á. Trên nền tảng này, Viện đã tiếp nhận khoảng 40 dòng lúa chống chịu mặn từ các trung tâm nghiên cứu lúa gạo quốc tế. Qua thử nghiệm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau cho thấy, hai giống lúa tốt nhất là IRRI147 và IRR117839-22-15-B-CMU10-1-B. Hai giống này sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên diện rộng trước khi đưa vào sản xuất tại tỉnh Sóc Trăng – địa phương chịu nhiều ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Trong khuôn khổ Sáng kiến AMD, Viện Lúa ĐBSCL đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) triển khai đề tài “Đảm bảo hệ thống thực phẩm của các châu thổ châu Á thông qua xác định các giống lúa chịu mặn ở Việt Nam”. Theo đó, hai viện xuống giống tại các “điểm nóng” về độ mặn tại 3 tỉnh vùng ĐBSCL, áp dụng mô hình lúa – tôm ở Sóc Trăng; lúa – cây trồng cạn ở Tiền Giang; lúa – lúa ở Kiên Giang. Đối với các hệ sinh thái trồng lúa riêng biệt trên, các nhà khoa học sẽ tiếp tục phối hợp, nghiên cứu, tìm giải pháp chống xâm nhập mặn ở giai đoạn trước thu hoạch.
Bộ bản đồ CS-MAP tại ĐBSCL được sử dụng như một tài liệu tham khảo trong công tác chỉ đạo sản xuất lúa. Dựa vào dự báo về khí hậu hàng năm và dự báo đầu vụ, các cơ quan quản lý cấp trung ương và cấp tỉnh xác định các khu vực có thể chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt hay xâm nhập mặn ở các mức độ khác nhau, từ đó đưa ra các khuyến cáo kỹ thuật giúp hạn chế thiệt hại đến năng suất và sản lượng lúa.
Các nhóm giải pháp đưa ra chủ yếu là các giải pháp phi công trình như thay đổi lịch thời vụ, cắt vụ để né tránh thời điểm thời tiết cực đoan, sử dụng các giống lúa ngắn ngày, giống lúa chịu hạn, chịu mặn… Tuy nhiên, CS-MAP cũng có thể được sử dụng để xác định các khu vực có nguy cơ cao cần đầu tư nâng cấp hạ tầng thủy nông. Các ứng dụng trong tương lai của CSMAP bao gồm mở rộng ứng dụng đối với các loại cây trồng khác (hoa màu ngắn ngày, cây ăn quả…), các vùng sinh thái khác và tích hợp vào một hệ thống tổng hợp quản lý nông nghiệp.
Ở cấp địa phương, các văn phòng khu vực và cấp tỉnh thuộc Bộ NN-PTNT đang nhân rộng Bản tin Khí hậu Nông nghiệp (Agro-Climatic Bulletin – ACB). ACB là hệ thống tư vấn nông nghiệp dựa trên dự báo khí hậu do Liên minh Đa dạng sinh học Quốc tế, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và Cục Trồng trọt phối hợp thực hiện. Thông qua các nhóm Zalo và các kênh truyền thông (áp phích, loa phát thanh, YouTube, hội thảo), ACB đã được mở rộng tới 7 tỉnh, hỗ trợ hơn 130.000 nông dân.
Nhận thấy hiệu quả của hệ thống tích hợp, các tỉnh ĐBSCL đã ban hành kế hoạch công tác theo mùa để triển khai ACB vào vụ hè thu 2022 và đông xuân 2022 – 2023. Văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam cũng đã ban hành công văn chỉ đạo triển khai ACB trên toàn vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, ĐH Tiền Giang phối hợp với IRRI cũng thí điểm phương pháp tái sử dụng rơm sau thu hoach. Các chuyên gia hướng dẫn nông dân trồng lúa tận dụng phụ phẩm rơm rạ, ủ thành phân hữu cơ. Phương pháp này giúp giảm áp lực chi phí đầu vào, nhất là trong thời điểm giá phân bón hóa học tăng cao.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt bày tỏ: “Sáng kiến AMD cung cấp nền tảng để tích hợp các chương trình do CGIAR triển khai tại Việt Nam. Ví dụ, giải pháp công nghệ CS-MAP hỗ trợ quản lý rủi ro từ cấp tỉnh đến cấp xã. Những biện pháp can thiệp này, bao gồm cả việc ủ phân từ rơm rạ sẽ giúp ĐBSCL đạt các mục tiêu về nông nghiệp xanh, bền vững”.
Với mục tiêu xây dựng các vùng đồng bằng có khả năng thích ứng tốt, phục hồi và có tính bao quát trong toàn khu vực cũng như các vùng lân cận khu vực sông Mê Kông, sáng kiến AMD không còn nằm trong phạm vi của vùng đồng bằng canh tác lúa mà có thể liên kết giữa các vùng đồng bằng canh tác lúa với nhau.
Trao quyền quyết định cho nông dân
Các chuyên gia CGIAR cũng nhận ra tác động của các biện pháp chuyển đổi sử dụng đất (ví dụ từ lúa sang lúa – tôm) và chuyển dịch lao động (xu hướng di cư). Đây là 2 trong nhiều chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Tuy vậy, xung đột, đặc biệt là giữa nông dân trồng lúa và nuôi tôm có thể nảy sinh trong quá trình chuyển đổi này do các yếu tố bất bình đẳng và cạnh tranh tài nguyên.
Một số phương pháp thí nghiệm hành vi ở địa phương đã được triển khai nhằm hỗ trợ cộng đồng cùng hợp tác, đưa ra quyết định trong quá trình chuyển đổi sử dụng đất.
Nghiên cứu đưa ra giả thuyết những người có xu hướng hành xử thiếu thiện chí, ít hợp tác là các nhóm nông dân thiếu quyền đưa ra quyết định hoặc phải đối mặt với chi phí cao. Theo đó, các chuyên gia thiết kế trò chơi đầu tư, đặt ra các nhiệm vụ ngẫu nhiên, phân loại nông dân dựa trên trình độ nuôi tôm, trồng lúa của họ, với các mức chi phí sản xuất chênh lệch.
Một cuộc khảo sát bằng bảng câu hỏi thu thập dữ liệu nhân khẩu học, hệ thống sản xuất, trải nghiệm về biến đổi khí hậu, chỉ số an ninh con người, mô hình di cư và sự gắn kết cộng đồng.
Kết quả cho thấy nhóm nông dân không có quyền ra quyết định có xu hướng hành vi thiếu thiện chí hơn. Do đó, các chuyên gia cho rằng, quy hoạch sử dụng đất để thích ứng với biến đổi khí hậu cần quan tâm đến việc trang bị năng lực và kiến thức cho nông dân, không để họ bị động.
Nguồn: nongnghiep.vn