Liên quan đến dự án này, ngày 30/8, Sở TN-MT TP.HCM thông tin, có hơn 1.800 hộ dân tại 11 xã của huyện Củ Chi bị ảnh hưởng hoặc phải di dời để nhường đất cho tuyến cao tốc.
Được biết, dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hồi đầu tháng 8/2024 với tổng vốn hơn 19.600 tỷ đồng, triển khai theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Giai đoạn này, cao tốc xây 4 làn xe, sau đó sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng để tăng quy mô lên 6 làn, chiều rộng nền đường 25,5m; giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc toàn tuyến.
Tuyến đường được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 là xây cao tốc theo phương thức BOT có tổng vốn hơn 10.400 tỷ đồng do UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền. Dự án thành phần 2 xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt, vốn đầu tư 2.420 tỷ đồng từ ngân sách. Hai dự án thành phần 3, 4 còn lại là giải phóng mặt bằng đoạn qua TP.HCM và Tây Ninh, ngân sách hai địa phương sẽ chi trả. Trong đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở địa bàn TP.HCM là dự án thành phần 3, Tây Ninh thành phần 4.
Trong tổng mức đầu tư dự án 19.617 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 49%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Doanh nghiệp thực hiện dự án sẽ hoàn vốn trong 14 năm 10 tháng, sau đó chuyển giao công trình cho cơ quan có thẩm quyền. Thời gian thực hiện dự án từ nay tới năm 2027.
Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh), dài hơn 50km, điểm đầu giao với vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi; điểm cuối kết nối quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu. Đây là dự án trọng điểm góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TP.HCM với Campuchia, giảm tải cho quốc lộ 22. Cao tốc khi hoàn thành sẽ là tuyến đường ngắn nhất kết nối TP.HCM với Campuchia thông qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Theo Sở TN-MT, đoạn cao tốc qua thành phố dài hơn 24km, có khoảng 1.808 trường hợp bị ảnh hưởng, thuộc 11 xã ở huyện Củ Chi. Đến nay, khoảng 99% số hộ đã được địa phương thu thập thông tin và giấy tờ sử dụng đất. Địa phương ban hành quyết định thu hồi đất và bắt đầu chi trả đền bù từ tháng 4/2025 để bàn giao mặt bằng cho dự án. Huyện Củ Chi dự toán tổng kinh phí đền bù cho dự án hơn 7.100 tỷ đồng, tăng 1.832 tỷ so với khái toán trước đây do áp dụng theo Luật Đất đai mới.
Liên quan đến dự án, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được áp dụng các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98. Quá trình giải phóng mặt bằng cho cao tốc Mộc Bài sẽ cơ bản triển khai như Vành đai 3 – dự án kiểu mẫu về công tác đền bù, tái định cư, nhằm đảm bảo người dân được hưởng lợi tốt nhất khi bàn giao mặt bằng.
“UBND TP.HCM đã giao Ban Giao thông từ nay đến cuối năm tập trung triển khai các bước lập dự án, phê duyệt, khảo sát nhà đầu tư và chuẩn bị bồi thường giải phóng mặt bằng dự án. Đây là điều kiện thuận lợi để phấn đấu trong quý 2-2025, chúng ta có thể khởi công xây dựng dự án và hoàn thành một công trình trước 31/12/2027, đồng bộ tuyến cao tốc Phnom Penh – Bavet phía Campuchia”, ông Phúc nói.
Theo ông Lương Minh Phúc, UBND TP.HCM là cơ quan đầu mối triển khai dự án, đã chia dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài thành 4 dự án thành phần, bao gồm:
Thành phần 1, đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (BOT), vốn đầu tư 10.421 tỷ đồng (vốn nhà đầu tư là 9.943 tỷ đồng, vốn nhà nước 478 tỷ đồng).
Thành phần 2, đầu tư xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang cao tốc, vốn đầu tư nhà nước 2.422 tỷ đồng.
Thành phần 3, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua TP.HCM, vốn đầu tư công 5.270 tỷ đồng. Cả ba dự án thành phần trên do UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản.
Đối với thành phần 4, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Tây Ninh, tổng mức đầu tư công 1.504 tỷ đồng. UBND tỉnh Tây Ninh là cơ quan chủ quản.
Nguồn: nongnghiep.vn