Sau sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, thông điệp “Gạo xanh, Sống lành” đã trở thành biểu tượng của xu hướng sản xuất xanh trong sản xuất lúa gạo trong nước và thế giới.
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nghiên cứu cũng nhận định, phát triển xanh là xu hướng tất yếu của tương lai. Để thực hiện mục tiêu này, nhóm chuyên gia nghiên cứu nhận định, vùng ĐBSCL cần thúc đẩy sinh kế nông nghiệp phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Riêng đối với ngành hàng lúa gạo Việt Nam, với điều kiện nguồn lực còn hạn chế, việc đầu tư cho ngành thời gian qua chưa được như kỳ vọng. Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” ra đời đã huy động được các nguồn lực xã hội từ khối tư nhân, các tổ chức quốc tế tham gia cam kết, ủng hộ thực hiện Đề án.
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã cơ bản hoàn thành công tác đàm phán để huy động nguồn lực tài chính cho Đề án với khoảng 600 triệu USD. Trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đồng ý cho Việt Nam vay vốn khoảng 350 – 400 triệu USD. Bên canh đó là các Quỹ tín chỉ carbon, biến đổi khí hậu với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 40 – 50 triệu USD; nguồn ngân sách dự kiến khoảng 100 triệu USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng cam kết đồng hành với Bộ NN-PTNT để thực hiện Đề án.
Giai đoạn 2012 – 2015, mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (MDI), Quỹ Bảo vệ môi trường Mỹ và các đối tác đã triển khai cho 500 nông dân tại một số địa phương như: Phú Tân, Châu Thành (An Giang); Tân Hiệp (Kiên Giang); Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ).
Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nông nghiệp thuộc Đại học Cần Thơ, bà con được hướng dẫn áp dụng quy trình canh tác lúa mới trên quy mô 540ha. Kết quả, việc trồng lúa giảm được 50% lượng giống, 30 – 40% lượng phân bón, 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, tăng 10% năng suất và 10 – 15% lợi nhuận ròng. Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế, dự án cũng chứng minh được khả năng có thể giảm 5 – 6 tấn khí thải nhà kính trên một ha lúa, tạo ra sản phẩm gạo sạch.
Dù vậy, TS Võ Thị Thanh Lộc (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL cần được hoàn thiện hơn nữa do còn nhiều tầng nấc trung gian, trong khi lại quá ít giá trị gia tăng, nông dân ít được hưởng lợi từ sự gia tăng đó.
“Khi nào người sản xuất lúa vẫn chỉ dừng lại ở trình độ gia công thì chừng đó còn nghèo và nhỏ nhoi trong chuỗi giá trị”, TS Lộc bày tỏ.
Góp ý cho những bước triển khai sắp tới của Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, Đề án là quyết định quan trọng, mở ra con đường mới hơn cho lúa gạo Việt Nam, tiến tới sản xuất một cách ổn định.
Chuyên gia “lão làng” về cây lúa nhìn nhận, hiện nay dù Việt Nam xuất khẩu được gạo với giá bán cao, nhưng vẫn chưa ổn định. Trong kinh doanh lúa gạo, trường hợp tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp, thương lái vẫn đang diễn ra, giá lúa gạo do thương lái bên ngoài quyết định.
Với chính sách mới trong Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, sẽ sắp xếp lại trật tự của chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam nói chung và hoạt động kinh doanh lúa gạo nói riêng.
Việc sắp xếp này thể hiện ở chỗ chấm dứt được tình trạng tranh mua tranh bán giữa các doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu hay những thương lái chuyên thu gom lúa của nông dân. Với Đề án này, mỗi doanh nghiệp phải liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, với giá thành sản xuất thấp nhất, không phát thải khí nhà kính. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần có nguồn lực hỗ trợ để cải tiến máy móc, thiết bị, tìm đầu ra tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh đó, Đề án cũng sẽ góp phần chấm dứt thời kỳ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, dẫn đến chất lượng hạt gạo không đồng đều, hàm lượng chất xám trong sản phẩm của nông dân rất thấp.
Cuối cùng là nhận được sự đồng tình của chính quyền địa phương, chung tay kêu gọi, tập hợp bà con nông dân tham gia các hợp tác xã. Với nguồn vốn hỗ trợ từ Đề án, địa phương sẽ tiến hành cải tiến đồng ruộng, hệ thống kênh mương tưới tiêu để bà con nông dân có thể sản xuất được lúa chất lượng thật tốt với giá thành rẻ.
Theo định hướng của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đất lúa sẽ được sử dụng linh hoạt như chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây ăn trái hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản nhưng không làm mất đi các điều kiện phù hợp để có thể trồng lúa trở lại. Biện pháp linh hoạt này cơ bản bảo đảm quỹ đất lúa 3,8 triệu ha đến năm 2025 và 3,5 triệu ha vào năm 2030.
Nguồn: nongnghiep.vn