Siêu dự án nghìn tỷ, vài trận mưa đã hỏng
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc là dự án vay vốn từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư 220 triệu USD (trong đó vốn vay 150 triệu USD, vốn đối ứng 70 triệu USD). Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) thuộc UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Phạm vi dự án được thực hiện trải dài dọc theo sông Phan trên địa bàn 7 huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm: Vĩnh Yên, Phúc Yên và các huyện: Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 478,6ha.
Quy mô dự án có 3 hợp phần. Ông Hồ Quang Phúc, Giám đốc VPMO là người ký nhiều quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu cho các nhà thầu, liên danh nhà thầu thực hiện các gói thầu hàng trăm tỷ đồng của dự án.
Điển hình như gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị, xây dựng hệ thống tiêu trạm bơm Kim Xá và công trình phụ trợ, giá trị hợp đồng 244,7 tỷ đồng. Gói thầu xây dựng tuyến kênh hút và hồ điều hòa Ngũ Kiên, giá trị hợp đồng 156,5 tỷ đồng. Gói thầu xây dựng tuyến kênh xả thuộc xã Ngũ Kiên, giá trị hợp đồng 188,3 tỷ đồng. Gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị, xây dựng trạm bơm tiêu Ngũ Kiên, giá trị hợp đồng 231,4 tỷ đồng. Cung cấp, lắp đặt thiết bị, xây dựng trạm bơm tiêu Nguyệt Đức, giá trị hợp đồng 395,7 tỷ đồng. Xây dựng tuyến kênh hút Nguyệt Đức và nạo vét hồ Sáu Vó, giá trị hợp đồng 147,5 tỷ đồng…
Năm 2018, dự án được khởi công với kỳ vọng sẽ sớm hoàn thiện nhằm kiểm soát tình trạng ngập úng, quản lý tốt nguồn nước, ổn định sản xuất và đời sống sinh hoạt người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án liên tục chậm tiến độ, mặc dù thời gian Hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới đối với dự án đã kết thúc từ năm 2021 nhưng siêu dự án ODA ở Vĩnh Phúc vẫn chưa thể hoàn thành và bàn giao.
Mới đây nhất, sau một vài trận mưa ở khu vực dự án thuộc các xã Yên Phương, Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc) và Kim Xá (huyện Tam Dương) đã xuất hiện nhiều vị trí bị hư hỏng nặng. Mặc dù đại diện chủ đầu tư khẳng định sự cố do mưa lớn và nhà thầu sẽ sớm khắc phục, tuy nhiên dư luận tỉnh Vĩnh Phúc đang lo ngại chất lượng thi công công trình siêu dự án nghìn tỷ này.
Có mặt tại khu vực xã Nguyệt Đức và Yên Phương, Trung Hà của huyện Yên Lạc, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận tình trạng hư hỏng nặng ở nhiều tuyến kênh bơm tiêu. Hàng loạt vết bê tông nứt khổng lồ ở chân công trình, cầu cống bị sập, tuyến kênh thoát tan hoang đang được nhà thầu gia cố tạm bằng bao tải đất đá.
Ông Nguyễn Văn Y, một người dân địa phương cho biết: Sau thời gian dài chậm tiến độ, gần đây mới thấy dự án đi vào vận hành, tuy nhiên có mấy trận mưa mà cầu thì sập, kênh tiêu sụt lún, nhiều vị trí công trình nứt toang hoác trông rất nguy hiểm.
Ví dụ như tuyến đường dẫn lên cầu thuộc địa bàn xã Yên Phương, một đoạn dài khoảng 5m đã bị sập hoàn toàn. Nhiều vị trí công trình bị lở lộ ra hàm ếch có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Đặc biệt, khoảng hơn 100m tuyến kênh bơm tiêu ra sông Hồng thuộc khu vực xã Trung Hà đã bị nước cuốn tan hoang, đất đá, bùn lầy trơ ra như thể mới trải qua trận cuồng phong.
Loạt gói thầu tai tiếng giữa VPMO và doanh nghiệp Minh Anh
Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, gói thầu CW01 thi công kênh hút từ ĐT.303 và hồ điều hòa trạm bơm Nguyệt Đức được ông Hồ Quang Phúc ký trúng thầu cho liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh và Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương trúng thầu. Giá trúng thầu là hơn 116,568 tỷ đồng. Kể từ thời điểm ký hợp đồng vào tháng 4/2021, chủ đầu tư cho biết thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 12 tháng.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án, gói thầu này đã liên tục bị chậm tiến độ, đến năm 2023 vẫn chưa thể hoàn thành. Ngoài gói thầu CW01, Công ty Minh Anh còn đứng đầu liên danh Minh Anh – 473 – Thanh Hóa trúng tiếp gói thầu CW07 xây dựng tuyến kênh hút Nguyệt Đức và nạo vét hồ Sáu Vó của dự án với giá trị hơn 210,252 tỷ đồng. Liên danh với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng công trình thủy lợi thủy điện trúng thầu gói thầu CW 05 thi công điều tiết Lạc Ý, Vĩnh Sơn và nạo vét sông Phan với giá hơn 92,368 tỷ đồng…
Ngoài các gói thầu liên quan đến siêu dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt, Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh còn được VPMO lựa chọn thực hiện Gói thầu VY-CW04 Cung cấp và lắp đặt thiết bị cho nhà máy xử lý nước thải thuộc Hợp phần 2 Thoát nước và xử lý nước thành phố Vĩnh Yên giai đoạn II, trị giá hơn 100 tỷ đồng.
Chưa hết, Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh còn đứng đầu liên danh thực hiện dự án Nạo vét và bảo tồn cảnh quan hồ Đầm Vạc cũng do Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư.
Sau nhiều lần điều chỉnh giá thầu, kết quả, nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh – Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân và Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Dũng đã được lựa chọn với giá 177,186 tỷ đồng.
Dự án được khởi công tháng 1/2023. Tuy nhiên sau 14 tháng thi công, khối lượng thi công trên công trường dự án mới đạt khoảng 40 tỷ đồng, chiếm 22,5%. Trong đó, có khoảng 20 tỷ đồng hoàn thành sau ngày 29/6/2023, là hạn cuối theo chủ trương đầu tư được duyệt và vẫn chưa thanh toán được dẫn tới nhà thầu thi công cầm chừng.
Thiết nghĩ, tỉnh Vĩnh Phúc cần xem xét lại năng lực của doanh nghiệp Minh Anh và quy trình lựa chọn nhà thầu của VPMO khi các gói thầu xảy ra rất nhiều vấn đề như vậy.
Doanh nghiệp Minh Anh từng bị Bộ NN-PTNT “cấm cửa”
Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh được thành lập vào ngày 26/6/2006, địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp Kiện Khê I, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Năm 2021, tại văn bản công bố đánh giá năng lực nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ NN-PTNT quản lý, Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh đã bị kết luận không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ đề ra.
Nguồn: nongnghiep.vn