Với 3 vùng sinh thái mặn, ngọt, lợ, tỉnh Sóc Trăng xác định lúa là cây trồng chủ lực, có diện tích gieo trồng hàng năm trên 320.000ha. Sản lượng lúa toàn tỉnh trên 2 triệu tấn/năm, trong đó lúa thơm, đặc sản chiếm trên 55,2%. Đặc biệt, địa phương còn được biết đến là nơi gieo trồng ra hạt gạo ngon nhất thế giới, mang thương hiệu gạo ST.
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều dự án phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng lúa gạo như: Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản; Đề án Nông nghiệp hữu cơ, nhất là Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc Bộ NN-PTNT triển khai 7 mô hình thí điểm ở 5 địa phương vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề giúp Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao triển khai thành công.
Ngày 22/7/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, trình Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ đề án. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lồng ghép với một số nguồn vốn khác từ ngân sách địa phương để mở rộng các mô hình thí điểm.
Cụ thể, ngoài mô hình thí điểm 50ha tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú do Bộ NN-PTNT xây dựng. Trong vụ đông xuân 2024-2025, tỉnh Sóc Trăng sẽ phát triển thêm 7 mô hình thí điểm Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL do Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ban hành.
Dự kiến 7 mô hình thí điểm có quy mô từ 30 – 50ha, tùy theo điều kiện của từng huyện, thị. Nguồn kinh phí triển khai các mô hình được trích từ ngân sách tỉnh, huyện và lồng ghép với các chương trình, dự án khác. Như vậy, tổng số mô hình thí điểm Đề án ở Sóc Trăng sẽ nâng lên 8 mô hình trải đều các huyện, thị, với diện tích khoảng 340ha.
Ngoài ra, các mô hình từ các chương trình, đề tài khác ở quy mô nhỏ hơn, Sở NN-PTNT Sóc Trăng sẽ tiếp tục khuyến khích, hướng dẫn áp dụng theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng nhấn mạnh, việc mở rộng các mô hình thí điểm sẽ giúp nông dân trong tỉnh có điều kiện “tai nghe, mắt thấy”, kết hợp với huấn luyện kỹ thuật, với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.
Tương lai, khi các cơ sở hạ tầng cho vùng đề án được đầu tư đồng bộ, các mô hình thí điểm này sẽ tiếp tục được phát triển rộng hơn, góp phần thay đổi phương thức sản xuất trong nông dân. Trong giai đoạn tới, tỉnh Sóc Trăng đăng ký thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích đến năm 2025 là 38.000ha và đến năm 2030 là 72.000ha.
Mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao quy mô 50ha tại HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành việc thu hoạch. Sở NN-PTNT Sóc Trăng ước tính, năng suất của mô hình đạt từ 6,5 – 7 tấn/ha, cho sản lượng khoảng 325 tấn. Đặc biệt, mô hình giúp lợi nhuận của nông dân tăng thêm trên 5,3 triệu đồng/ha, nhờ giảm chi phí đầu tư cho mùa vụ. Bên cạnh đó, lúa được doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua với giá 10.800 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 2.300 đồng/kg.
Nguồn: nongnghiep.vn