Theo đó, nếu tình hình mưa lớn vẫn tiếp diễn sau ngày 10/9, sẽ có chủ trương chỉ đạo tiếp theo. Từ ngày 11/9, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, kế hoạch của tỉnh, các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn chủ động cho học sinh trở lại học tập và có kế hoạch tổ chức dạy học bù theo quy định.
Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện nội trú, có biện pháp quản lý chặt chẽ học sinh đang ở trong khu nội trú, không giải quyết cho học sinh đi về trong thời gian bão và hoàn lưu bão đang diễn ra.
Bên cạnh đó, cần chủ động di dời toàn bộ tài sản và bố trí chỗ ở, sinh hoạt cho học sinh bảo đảm an toàn. Bảo đảm dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, vệ sinh phục vụ sinh hoạt của học sinh.
Trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa từ 70mm trở lên. Mưa lớn đã khiến lưu lượng nước từ các dòng suối đổ về chảy xiết, gây ngập úng nhiều nơi; đất đá sạt vào nhà, khiến người dân phải di chuyển nơi ở trong đêm. Mưa lớn còn gây sạt lở nhiều tuyến giao thông tỉnh lộ, ngập úng nhiều diện tích cây hoa màu của người dân.
Tại huyện Mộc Châu, mưa lớn khiến nước suối dâng cao, nhiều khu vực ta-luy dương bị sạt làm ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình tại bản Nà Sai, xã Hua Păng. Nhiều khu vực bị sạt lở, người dân phải di dời nơi ở ngay trong đêm. Mưa lớn cũng gây ngập úng cục bộ, làm ách tắc giao thông và tràn vào nhà dân tại tiểu khu 6, tiểu khu 8 thị trấn Mộc Châu.
Còn tại huyện Phù Yên, mưa lớn gây ra lũ trên các dòng suối, làm thiệt hại ảnh hưởng 36 nhà dân. Trong đó, 15 nhà tại các bản phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra, mưa cũng làm sạt lở và gây ách tắc giao thông quốc lộ 43 địa phận xã Tân Phong và từ xã Tường Tiến đến Kim Bon; sạt lở 1 điểm quốc lộ 32b địa phận bản Suối Lèo, xã Tân Lang.
Trước tình hình trên, tỉnh Sơn La đã có văn bản chỉ đạo giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh, chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó tác động của bão với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước.
Chỉ đạo bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi mưa, lũ.
Nguồn: nongnghiep.vn