Doanh nghiệp Việt Nam thu mua mía tại Lào giá cao
Sở Công thương Sơn La vừa tổ chức buổi họp triển khai phương án hỗ trợ tỉnh Hủa Phăn (Lào) tiêu thụ sản phẩm mía đường, với sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành tỉnh, đại diện Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La và bên khai thác vận chuyển.
Đây là nỗ lực hợp tác giữa hai tỉnh nhằm giải quyết các khó khăn trong tiêu thụ mía nguyên liệu, đồng thời mở ra cơ hội giao thương bền vững giữa hai quốc gia.
Từ năm 2023, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La đã nhận thấy nhu cầu tiêu thụ mía cây tại tỉnh Hủa Phăn, nên đã tổ chức các đoàn công tác đánh giá chất lượng mía, khả năng cung ứng, lên kế hoạch thu mua từ 5.000 – 6.000 tấn mía từ các huyện Mường Ét, Xiềng Khọ và Sốp Bau. Tuy nhiên, việc nhập khẩu mía từ Lào về Việt Nam gặp phải nhiều trở ngại khi chưa có nhân sự thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, khiến kế hoạch này phải tạm dừng.
Vụ mía năm 2024, với sự phối hợp của Sở Công thương Sơn La và Sở Công thương Hủa Phăn, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La đã thống nhất phương án thu mua và chế biến mía nguyên liệu từ tỉnh bạn, nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất tại nhà máy.
Công ty sẽ mua mía với giá 1.350.000 đồng/tấn, cao hơn khoảng 200.000 đồng/tấn so với giá thu mua tại vùng nguyên liệu trong nước. Đây là mức giá nhằm hỗ trợ nông dân tại Hủa Phăn, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.
Phương thức thu mua được tổ chức linh hoạt. Các doanh nghiệp thu gom chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục liên quan, trong khi công ty sẽ hỗ trợ tối đa về hướng dẫn thu hoạch, bốc xếp, vận chuyển và thanh toán. Để đảm bảo chất lượng mía và giảm thiểu tổn thất, mía nguyên liệu cần được vận chuyển về nhà máy trong vòng 48 giờ sau khi chặt. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh thủ tục kiểm dịch và thông quan hiện nay.
Gỡ vướng thủ tục thông quan
Bà Lưu Thanh Nga, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật Sơn La, chỉ ra rằng sản phẩm mía cần đáp ứng hai yêu cầu bắt buộc: kiểm dịch thực vật và đảm bảo an toàn thực phẩm. Các yêu cầu nghiêm ngặt tối thiểu về cây mía như không được có ngọn và không dính đất. Thời gian hoàn thành hai thủ tục này có thể kéo dài đến 3 ngày, trong khi yêu cầu từ phía nhà máy chỉ cho phép mía được vận chuyển trong vòng 48 giờ để đảm bảo chất lượng.
Nhằm giải quyết các khó khăn, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La đã đề xuất một số giải pháp cụ thể. Trước hết, công ty mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ tối đa trong việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục kiểm dịch và thông quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nước bạn để tổ chức hiệu quả công tác hướng dẫn thu hoạch, bốc xếp, vận chuyển, cũng như hoàn thiện các thủ tục nhập khẩu và thanh toán, qua đó đảm bảo thu mua nguyên liệu ở mức cao nhất.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La cũng khẳng định sự ủng hộ từ phía tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Hủa Phăn. “Trên tinh thần hỗ trợ, tỉnh Sơn La sẵn sàng phối hợp, tinh giản các bước theo đúng quy định để đẩy nhanh quá trình tiêu thụ mía, góp phần giúp tỉnh bạn Lào phát triển kinh tế”.
Hỗ trợ tiêu thụ mía đường từ tỉnh Hủa Phăn không chỉ là nhiệm vụ kinh tế mà còn thể hiện tình đoàn kết, hợp tác bền vững giữa hai tỉnh Sơn La và Hủa Phăn. Kết luận buổi họp, ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: “Dù còn nhiều thách thức, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, kế hoạch này hứa hẹn mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, góp phần thúc đẩy sự phát triển tình hữu nghị Việt – Lào”.
Phía Lào hiện được phép xuất khẩu mía sang Việt Nam và các cửa khẩu tại Sơn La đã được cấp phép thực hiện kiểm dịch thực vật. Đây là những yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho hoạt động giao thương. Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục kiểm dịch và an toàn thực phẩm lại phức tạp và mất nhiều thời gian.
Nguồn: nongnghiep.vn