Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), hiện nay có nhiều biện pháp ngăn chặn sự lây lan và phá hoại của sâu keo mùa thu như điều tra phát hiện sớm, sử dụng giống kháng, chế phẩm và tác nhân sinh học (ký sinh thiên địch, bẫy bả), thuốc BVTV hóa học…
Tuy nhiên, để phòng, trừ sâu keo mùa thu, đa số nông dân Việt Nam vẫn dựa vào thuốc BVTV hóa học là chính, coi đây là biện pháp dập dịch nhanh chóng nhất mà không nghĩ đến hậu quả về lâu dài. Việc lạm dụng thuốc hóa học một cách phổ biến không chỉ gây độc hại đối với sức khỏe con người, môi trường, mà còn làm tổn hại đáng kể đến quần thể các loài thiên địch, phá vỡ cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tới tính bền vững của sản xuất ngô ở nước ta. Trong khi đó, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn, hiệu quả trong quản lý sâu bệnh hại ngô nói chung và sâu keo mùa thu nói riêng chậm được nhân rộng.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), sâu keo mùa thu đang nhanh chóng tăng tính kháng đối với nhiều loại hoạt chất hóa học tại châu Phi và châu Á. Vì vậy, việc tìm kiếm giải pháp quản lý sâu keo mùa thu bền vững, khôi phục và bảo tồn sự đa dạng của quần thể thiên địch là vấn đề cần thiết, không chỉ cho trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài. Trong đó, việc sử dụng giống kháng, biện pháp canh tác và các tác nhân sinh học trong phòng trừ sâu keo mùa thu có vai trò quan trọng trong hệ thống các biện pháp quản lý tổng hợp dịch hại ngô.
Dự án ‘Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mở rộng phạm vi quản lý sâu keo mùa thu bền vững tại Việt Nam’ nằm trong hành động toàn cầu của FAO với mục tiêu quản lý bền vững sâu keo mùa thu. Kết quả của dự án sẽ được chia sẻ với các quốc gia tại châu Phi, cận Đông và châu Á.
Sau 6 tháng triển khai, đến hiện tại, toàn bộ các mục tiêu đề ra của dự án đã được hoàn thành với những kết quả rất đáng ghi nhận. Cụ thể, dự án đã nâng cao năng lực quốc gia về quản lý sâu keo mùa thu bền vững thông qua đào tạo, tập huấn, trình diễn các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giám sát và quản lý, trong đó lồng ghép các vấn đề về sự tham gia của giới, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý dịch hại xuyên biên giớ. Đã đào tạo được 65 giảng viên TOT của 29 tỉnh thành và 3 trung tâm BVTV vùng; tổ chức 9 lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) với 270 người (103 nam và 167 nữ).
Dự án cũng chủ động triển khai các giải pháp ngăn chặn, phòng trừ sâu keo mùa thu bền vững nhằm giảm thiểu sự lây lan và bùng phát dịch trên diện rộng; tổ chức được 2 lớp đào tạo, tập huấn cho nông dân với số lượng 60 người. Xây dựng 2 mô hình quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu (IPM/IPHM) với quy mô 10ha tại Phú Thọ và Đồng Nai…
Bên cạnh đó, dự án hoàn thành việc phối hợp với các nước trong khu vực thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo sớm sự phát sinh, gây hại của sâu keo mùa thu dựa trên mạng lưới BVTV quốc gia và khu vực…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chia sẻ, năm 2019, sâu keo mùa thu xuất hiện ở Việt Nam, trong thời gian ngắn đã nhanh chóng lan rộng ra 58 tỉnh thành với tổng diện tích ngô bị nhiễm hơn 76.000ha. Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng quy trình phòng trừ, áp dụng các biện pháp khẩn cấp, mở lớp tập huấn để hướng dẫn nông dân nhận biết và ứng phó với loài sinh vật gây hại này. Nhờ đó, diện tích ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu giảm dần. Đến năm 2023, diện tích nhiễm trên toàn quốc khoảng 8.000ha, với mức độ gây hại nhẹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, việc sâu keo mùa thu có những biến đổi, thay đổi quy luật phát sinh, phát triển, thói quen, tập tính hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí có thể tấn công cả các loại cây trồng khác, trong đó có lúa. Do đó, các cơ quan quản lý và địa phương không được chủ quan, phải luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Dự án ‘Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mở rộng phạm vi quản lý sâu keo mùa thu bền vững tại Việt Nam’ nhận được sự hỗ trợ của FAO để tìm ra giải pháp quản lý sâu keo mùa thu bền vững, đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, giúp bổ sung các biện pháp, tài liệu, thông tin cho ngành BVTV, địa phương, người dân trong việc ứng phó với sâu keo mùa thu hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận của dự án hết sức thiết thực khi định hướng quản lý sâu keo mùa thu theo hướng sử dụng biện pháp giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV hóa học, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, hướng tới nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, thông minh, tăng trưởng xanh, giảm phát thải, tuần hoàn.
Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn TOT, FFS của địa phương mình. Các đơn vị trực thuộc Bộ nhanh chóng hoàn thiện bộ tài liệu để cung cấp tới tận tay người dân. Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp chặt chẽ với Cục BVTV tổ chức chuyển giao, nhân rộng các kết quả của dự án.
Nguồn: nongnghiep.vn