Công trình trên non cao
Từ trung tâm xã, vòng vèo hơn chục km trên con đường bê tông nhỏ, men theo chân núi, bản Ma Nòn hiện lên vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Ma Nòn ngày nay vẫn là thôn khó khăn của xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn), dọc con đường đi xuyên qua thôn, lác đác những ngôi nhà mới, xen lẫn là những ngôi nhà gỗ bà con đã dựng lên nhiều đời nay.
Mang đậm đặc điểm của khu vực miền núi cao, Ma Nòn ít ruộng, đất đai chủ yếu là rừng, nhưng khí hậu lạnh, đất khô cằn nên chỉ trồng được cây thông. Với người dân Ma Nòn, khó khăn nhất là nguồn nước, nước sản xuất đã ít, nước sinh hoạt cũng không phải dễ kiếm. Dọc bản, ngoài dòng suối nhỏ chảy ở dưới thấp, chỉ có vài mạch nước nhỏ trên đỉnh núi. Bao đời nay, người Ma Nòn bắc máng, lắp ống dẫn về sinh hoạt, nhưng khổ nỗi, mùa mưa nước đục, mùa khô nước ít lại nhiều bùn đất.
Ông Đặng Tuần Pin sinh ra, lớn lên đã gắn bó với mảnh đất Ma Nòn, những năm trước, để có nước sinh hoạt, ông phải huy động cả nhà, mua ống dẫn nước từ khe về. Ở trên đỉnh núi cao này, mùa đông lạnh đến mức, nhiều khi mặt nước cũng đóng băng, mùa đông cũng là mùa ít nước nhất trong năm. Những lúc như vậy, gia đình phải dùng nước hết sức tiết kiệm, vài chục hộ, hàng xóm của ông Pin cũng trải qua mùa khô đầy khắc nghiệt như vậy.
Nhưng đó là câu chuyện của vài năm trước, giờ đây, người dân Ma Nòn không còn lo thiếu nước, công trình nước sạch vừa mới xây xong đã hóa giải cơn khát bấy lâu nay.
Chớm đông, chúng tôi đến Ma Nòn, ông Pin đang giặt quần áo, bên cạnh, vợ ông đang rửa rau chuẩn bị bữa trưa. Nhà ông Pin bây giờ có 2 bể nước, một bể dùng để tắm, vặn vòi đưa tay hứng, nguồn nước mát lạnh tuôn trào.
“Sau khi được đầu tư công trình nước sạch, gia đình vẫn giữ lại nguồn nước cũ để tắm, giặt, nguồn nước sạch dùng để nấu ăn đảm bảo vệ sinh. Nguồn nước sạch đã được lọc qua nhiều bể lắng ở tận đầu nguồn nên yên tâm sử dụng”, ông Pin vui vẻ nói với chúng tôi.
Rời nhà ông Pin, mất khoảng 20 phút đi xe máy, rồi đi bộ chúng tôi đến nhà anh Đặng Kim Lệnh, bể nước nhà anh Lệnh xây ngay đầu hồi ngôi nhà cấp 4. Ở bản vùng cao này, nhà anh Lệnh khá khang trang, có khu nhà ở, nhà bếp tách biệt. Từ bể nước, hệ thống vòi dẫn được anh chia về khu nhà bếp, phòng vệ sinh. Cũng như các hộ trong thôn, anh Lệnh được sử dụng nước sạch đã nhiều tháng nay.
Anh Lệnh cho biết, nhà có 5 người nên cũng không dùng quá nhiều nước nên chỉ xây bể chứa nhỏ, một phần dùng sinh hoạt, còn lại để rửa sân, tưới cây. Có nước sạch dùng, gia đình rất yên tâm, không phải lo như trước nữa.
“Trước đây khi lũ thì nước đục, mùa khô nước ít, lá cây rụng nhiều nên muốn dùng nhiều khi phải lọc mấy lần rồi để lắng mới nấu ăn được”, anh Lệnh chia sẻ.
Ông Chu Văn Hướng, Chủ tịch UBND xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn) cho biết, xã có nhiều thôn vùng cao, khá biệt lập, đi lại khó khăn, những năm gần đây đã được Nhà nước hỗ trợ xây nhiều công trình nước sạch, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn vốn của chương trình, đến nay 4 thôn vùng cao của xã gồm chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày đã và đang được đầu tư hạ tầng để giúp người dân yên tâm bám bản, thi đua phát triển kinh tế.
Đầu tư đồng bộ, phát huy tối đa hiệu quả
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đầu tư hơn 83 tỷ đồng xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung.
Mục tiêu của dự án để cấp nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hỗ trợ những gia đình chịu thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ ở vùng khó khăn chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Cung cấp các điều kiện sinh hoạt cơ bản để người dân yên tâm định cư, phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân.
Nguồn vốn hơn 83 tỷ đồng dùng để đầu tư xây dựng 33 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại 30 xã, thị trấn thuộc 7 huyện của tỉnh Bắc Kạn. Những công trình này sẽ được đầu tư đồng bộ các hạng mục như cửa thu nước, bể chứa, bể lọc, hố van, đường ống dẫn nước và vòi trụ. Đây là những dự án thuộc nhóm B, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV.
Đối với công trình nước sinh hoạt tập trung giai đoạn trước năm 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao gần 12 tỷ đồng cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh để xây dựng 57 công trình tại 7 huyện, đến nay hầu hết các công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng. Đối với dự án cấp nước sinh hoạt tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Kạn từ năm 2023-2025 đã thi công 23 công trình, khối lượng thi công đạt trên 90% giá trị hợp đồng.
Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn cũng hỗ trợ trực tiếp cấp nước sinh hoạt phân tán cho hơn 1.200 hộ. Những hộ này sẽ được hỗ trợ mua téc nước, vật dụng dẫn nước và làm bể chứa nước.
Ông Đinh Huy Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, các công trình nước sạch tập trung chủ yếu ở các thôn, bản vùng cao, nơi đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Ban xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, nỗ lực thi công các công trình xong trước kế hoạch để phục vụ người dân.
Mặc dù điểu kiện thi công khó khăn, do địa hình đồi núi cao, công trình ở xa khu dân cư, xa các mỏ vật liệu nhưng đơn vị đã cử cán bộ bám sát cơ sở, yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, ông Hoàng cho biết thêm.
Những công trình nước sạch sau đầu tư sẽ được giao cho địa phương quản lý, sử dụng. Chính quyền cùng người dân sẽ xây dựng mô hình quản lý phù hợp với tình hình thực tế để khai thác, duy tu, sửa chữa hiệu quả.
Nguồn: nongnghiep.vn