Với diện tích canh tác khoảng hơn 800 nghìn ha/năm, nhu cầu về hạt giống ngô chất lượng cao tại Việt Nam rất lớn. Theo dữ liệu của Volza, chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập hơn 2,3 nghìn tấn hạt giống ngô lai từ các nước có nhiều kinh nghiệm và năng lực sản xuất hạt giống như Thái Lan, Ấn Độ.
Nắm bắt nhu cầu lớn từ thị trường, những năm qua, Syngenta đã tích cực mở rộng diện tích sản xuất hạt giống ngô lai F1 tại Việt Nam, không chỉ phục vụ nhu cầu hạt giống trong nước mà còn mang đến cho nông dân mô hình sản xuất nông nghiệp mới có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Viết Thảo ở xã La Le, huyện Chư Pưh (Gia Lai) cho biết, trước đây ông và bà con nông dân vùng Tây Nguyên chỉ biết đến trồng ngô thương phẩm cho chăn nuôi, chưa biết đến việc trồng ngô để thu hoạch hạt giống nên ban đầu cũng có nhiều lo ngại. Tuy nhiên chỉ vụ đầu tiên, ông đã thu 5,4 tấn ngô giống, thu nhập tăng 200% so với trước đây.
Chị Nguyễn Hồng Gấm ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) cũng chia sẻ, từ khi chuyển đổi sang sản xuất hạt giống ngô, bà con rất phấn khởi do được cam kết bao tiêu 100% đầu ra. Ngoài ra, hộ tham gia mô hình còn được tạm ứng một phần chi phí và một số vật tư đầu vào nên việc canh tác của bà con thuận lợi hơn, thu nhập trung bình sau khi trừ chi phí đạt hơn 70 triệu đồng/ha/vụ.
Việc đẩy mạnh sản xuất hạt giống ngô đã mang đến cho nông dân thêm lựa chọn để chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn so với trước đây. Đặc biệt, khi tham gia mô hình sản xuất hạt giống ngô của Syngenta, ngoài việc được cung cấp giống bố mẹ, tạm ứng một phần vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra, nông dân còn được hướng dẫn chi tiết quy trình canh tác theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng để đạt hiệu quả canh tác tốt nhất.
Mô hình sản xuất hạt giống ngô của Syngenta cũng giúp cải tạo đất và hệ sinh thái tự nhiên, từng bước chuyển dịch từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp tái sinh.
Cụ thể, khi tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn quy trình làm đất tối thiểu như hạn chế cày xới, để lại ít nhất 30% tàn dư cây trồng từ vụ trước trên mặt đất nhằm giảm tình trạng xói mòn, duy trì độ ẩm và bảo vệ cấu trúc đất, giảm lượng carbon phóng thích ra môi trường, từ đó góp phần cải thiện sức khỏe đất.
Bên cạnh đó, nông dân được hướng dẫn áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân. Nhờ phương pháp này, bà con vừa giảm được chi phí sản xuất từ 5 – 10%, cây ngô cũng được cung cấp nước tưới và dinh dưỡng đầy đủ, mang lại năng suất cao và hiệu quả tốt hơn so với canh tác truyền thống.
Làm đất tối thiểu, tưới nhỏ giọt cũng là hai trong nhiều phương pháp thực hành nông nghiệp tái sinh được Syngenta triển khai trên toàn cầu nhằm hiện thực hóa cam kết tái tạo đất và hệ sinh thái tự nhiên.
Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc ngành Hạt giống (Công ty TNHH Syngenta Việt Nam) cho biết, việc mở rộng và phát triển mô hình sản xuất hạt giống ngô cũng là cách giúp Công ty đến gần hơn với mục tiêu mà Tập đoàn Syngenta đề ra đối với cam kết tái tạo đất và hệ sinh thái tự nhiên. Đó là áp dụng các phương pháp nông nghiệp tái sinh trên 50 triệu ha và đạt 85% sản lượng hạt giống được sản xuất thông qua các phương pháp nông nghiệp tái sinh vào năm 2030.
Được triển khai tại Việt Nam từ năm 2016 và liên tục được mở rộng, mô hình sản xuất hạt giống ngô của Syngenta có diện tích ban đầu chỉ 17ha đã tăng lên tới 3.000ha trong niên vụ 2023 – 2024 và dự kiến sẽ đạt 4.000ha trong niên vụ 2024 – 2025, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL.
Ngoài việc sản xuất một số giống chủ lực phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, Syngenta đang tiến hành mở rộng diện tích sản xuất các giống ngô thường và ngô chuyển gen thế hệ mới phục vụ xuất khẩu qua Philippines và một số nước khác.
Nguồn: nongnghiep.vn