Đó là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn tại hội thảo “Tham vấn về tiếp cận tài chính trong chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp tại Việt Nam”, vừa diễn ra tại TP.HCM, do Bộ NN-PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) tổ chức.
Hội thảo với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp tư nhân và tổ chức quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm nhằm giúp cho các HTX, doanh nghiệp và các bên liên quan tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.
Khó tiếp cận nguồn vốn chính sách
Tham vấn của đại biểu quốc tế cho rằng, doanh nghiệp, HTX khi tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 cần phải hoàn thiện và bảo đảm được yếu tố kỹ thuật cho sản xuất lúa chất lượng cao và hoàn thiện được cơ sở hạ tầng (giao thông đồng ruộng, thủy lợi, cơ giới hóa đồng bộ…) để đảm bảo sản xuất trên quy mô lớn.
Theo ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Tài (Trà Vinh), thực tế sản xuất chuỗi giá trị lúa phát thải thấp vẫn còn yêu cầu cao về vấn đề thu gom, xử lý rơm rạ sau thu hoạch nên buộc HTX phải có máy cuộn rơm. Tuy nhiên, việc đầu tư máy cuộn rơm để phục vụ thu gom trên quy mô lớn thì phải tốn chi phí lên đến cả tỷ đồng. Do đó, HTX mong muốn được tạo thêm điều kiện để có thể tiếp cận với nguồn vốn. “Để thực hiện được Đề án 1 triệu ha lúa thì trước hết, tiền chính là “mạch máu” trong sản xuất, rồi đến nguồn nhân lực… Tuy nhiên, nhiều nông dân hiện vẫn chưa hiểu rõ được về Đề án triển khai như thế nào và chính sách hỗ trợ ra sao nên có thể họ chưa thực sự quan tâm”, ông Chung khẳng định.
Ông Chung đề nghị cần phải tổ chức nhiều cuộc tập huấn để giúp nông dân ở các địa phương hiểu và sẵn sàng tham gia vào Đề án. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp trong nước và quốc tế “đặt hàng” thu mua nguồn rơm rạ cho nông dân tham gia sản xuất trong Đề án.
Bà Phạm Thu Phương, quản lý kỹ thuật của HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vĩnh Long) cũng cho rằng, về phương thức sản xuất, cũng như nguyên tắc ứng dụng trồng lúa phát thải thấp thì HTX đều có kinh nghiệm và có thể chủ động triển khai được ngay, chỉ còn chính sách tài chính hỗ trợ của Nhà nước thì chưa được rõ ràng. Trong khi HTX vừa nhận được kế hoạch sẽ triển khai 300ha lúa trong Đề án. “Chúng tôi đã đề xuất vay vốn với lãi suất 0%, nhưng chưa nhận được phản hồi nào từ phía Đề án và các đơn vị cho vay, cũng như chưa có thông tin xác nhận khi nào nguồn vốn về, khiến HTX rất bị động”, bà Phương chia sẻ.
Còn đối với doanh nghiệp liên kết với HTX sản xuất lúa phát thải thấp, để thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất trên quy mô lớn, hầu hết các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do thiếu nguồn lực tài chính. Do đó, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ để giải quyết bài toán vay vốn trung và dài hạn, nhằm đảm bảo hợp đồng liên kết chặt chẽ với HTX như cung ứng vật tư đầu vào, thu mua lúa chín, ứng dụng các công nghệ mới, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Cần triển khai mô hình “3 bên” chuỗi giá trị tài chính
Trước thực trạng của các HTX và doanh nghiệp, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, do nông dân, HTX phần lớn vẫn sản xuất trên quy mô nhỏ, chưa đồng bộ được quy trình ở tất cả các địa phương nên dẫn đến tình trạng thiếu vốn sản xuất, trong khi đó các mô hình tín dụng truyền thống ít phù hợp cho vay đối với các mô hình kinh tế tập thể, HTX. “Khi mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho nông dân và HTX sẽ thúc đẩy chuyển đổi ngành trong chuỗi giá trị lúa phát thải thấp tại Việt Nam. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, để có chương trình tín dụng riêng cho sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở vùng ĐBSCL”.
Để tháo gỡ khó khăn về tiếp cận tài chính trong phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, nhiều ý kiến cho rằng cần phải nghiên cứu triển khai mô hình chuỗi giá trị tài chính với mô hình cho vay liên kết giữa “3 bên”, gồm ngân hàng – doanh nghiệp đầu mối chuỗi liên kết và HTX.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Amber Sharick, Chuyên gia tài chính bền vững, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các tổ chức cũng như chính phủ của các nước đã dành sự quan tâm rất lớn đến việc nông dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp của Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận những nguồn hỗ trợ như thế nào. Ngoài ra họ cũng chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để giảm những rủi ro trong quá trình họ cung cấp tín dụng cho thị trường Việt Nam”.
Theo bà Amber Sharick, để tham gia và phát triển hiệu quả Đề án, nhu cầu tài chính cho các chủ thể, đơn vị tham gia là rất lớn. Đặc biệt, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ.
Một thách thức lớn với việc triển khai thực hiện Đề án, đó là trong quá trình sản xuất lĩnh vực nông, lâm nghiệp và sử dụng đất, nhu cầu vốn đến năm 2030 cần khoảng 2,1 tỷ USD để áp dụng các quy trình sản xuất mới. Do đó, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng người nông dân, HTX cần áp dụng đúng quy trình sản xuất lúa phát thải thấp. Đồng thời, các cơ quan ban ngành cần tiếp tục hỗ trợ người nông dân, HTX ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, máy móc, đầu tư cơ sở hạ tầng một cách hợp lý nhất.
Để thực hiện thành công Đề án, Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà ngay cả doanh nghiệp, HTX và người nông dân sản xuất trực tiếp cùng tham gia để khơi thông nguồn lực đầu tư trong toàn xã hội.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh: Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Việc tiếp cận tài chính là yếu tố then chốt giúp nông dân và doanh nghiệp, HTX trong chuỗi giá trị lúa gạo, có thể đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế. Khâu sau thu hoạch cũng cần được quan tâm, đầu tư kỹ thuật, máy móc để tận dụng các nguồn thu từ rơm rạ vì đây cũng là nguồn tài chính không nhỏ cho nông dân, các HTX.
“Xu thế sử dụng các sản phẩm carbon thấp, thân thiện với môi trường đang tạo lợi thế về thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng giảm phát thải. Hơn nữa, theo tính toán chỉ riêng nguồn thu từ việc bán rơm rạ từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL sẽ tương đương với khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Do đó, cần nâng cao giá trị cho rơm rạ để tăng thêm nguồn thu cho người dân”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn