Cục Thú y thống kê đến tháng 12/2024, Việt Nam đã sản xuất được 218 loại vacxin phòng bệnh trên đàn vật nuôi, và nhập khẩu 340 loại. Đây là cơ sở để TS Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Hanvet, cho rằng, Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng lớn về sản xuất vacxin thú y.
So sánh với một số nước có điều kiện tương đồng trong khu vực Đông Nam Á về năng lực sản xuất vacxin, Việt Nam đều vượt trội. Chẳng hạn, cả nước hiện có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vacxin cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong khi con số này của Indonesia là 2, Malaysia là 1, còn Thái Lan thậm chí không có nhà máy nào.
Lấy ví dụ về năng lực sản xuất vacxin của Hanvet, ông Vũ cho biết: “Trên thế giới có công nghệ mới nào, Hanvet đều cố gắng học hỏi, chuyển giao, sở hữu”. Ông cũng thông tin rằng, doanh nghiệp có thế mạnh về vacxin tai xanh (đã lưu hành khoảng 9 năm) và vacxin dại. Những năm cao điểm bán tương ứng tới 6 và 2 triệu liều.
Trong số này, việc sản xuất, cung ứng vacxin dại có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, do hằng năm bệnh dại gây tử vong hàng chục người.
Tại Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vacxin thú y” do Cục Thú y phối hợp Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, người đứng đầu Hanvet trăn trở với vấn đề, là tại sao vacxin trên đàn vật nuôi vẫn chưa được sử dụng nhiều, đặc biệt là với vacxin nội.
Nguyên nhân, theo ông Vũ, nằm ở thương hiệu, trình độ sản xuất, kiểm soát chất lượng còn hạn chế. “Tự nhận xét, chất lượng vacxin của Hanvet có lẽ chỉ khoảng 80% so với nước ngoài”, chủ doanh nghiệp bày tỏ và thừa nhận, độ phủ của vacxin nội, vì thế còn tương đối thấp.
Chia sẻ thêm về những khó khăn của vacxin nội, TS Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nghẽn là do tâm lý “sính ngoại” vẫn tồn tại trong đại bộ phận người chăn nuôi.
Chủ tịch HĐQT Công ty Thuốc thú y TW5 (Fivevet) kể một kỷ niệm trong lần đi giới thiệu vacxin: “Khi biết vacxin của chúng tôi không phải vacxin ngoại, họ từ chối tiếp luôn”.
Do đó, bà Hương tin rằng, bên cạnh nâng cao chất lượng vacxin, doanh nghiệp sản xuất trong nước cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, sự hợp tác chia sẻ thông tin của cơ quan báo chí, các viện, trường đào tạo chuyên ngành.
“Càng nhiều người biết đến vacxin nội, biết tới khả năng của vacxin nội càng tốt”, bà tâm niệm và nhấn mạnh thêm, rằng chất lượng tạo nên thương hiệu. Khi vacxin nội đã đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp sản xuất rất cần sự ủng hộ của Cục Thú y, người sản xuất để cả ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Nói thêm về chất lượng sản xuất vacxin và thuốc thú y nói chung, Chủ tịch Hội KHKT Thú y Việt Nam nhìn nhận, công nghệ trong nước không những phát triển nhanh mà còn tiến bộ vượt bậc. Trong đó, có những công nghệ hàng đầu để sản xuất vacxin tai xanh, lở mồm long móng, dại, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP)… Riêng vacxin DTLCP, Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất sản xuất và thương mại hóa.
Hiểu rõ năng lực sản xuất vacxin Việt Nam, bà Hương kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi hơn của người chăn nuôi, bởi để khánh thành 1 nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt chuẩn GMP-WHO cần nguồn vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, là đội ngũ nhân viên có trình độ, được đào tạo lâu năm.
Trong bối cảnh, chăn nuôi nông hộ tại Việt Nam vẫn còn tương đối lớn (khoảng 30-40%), vacxin nội với ưu thế là giá thành rẻ, dễ đến được các đại lý ở vùng sâu, vùng xa, rõ ràng có nhiều lợi thế cạnh tranh để tăng độ phủ vacxin.
Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, đánh giá, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn là một thách thức và với việc phổ biến và mở rộng đối tượng tiêm vacxin. Việc tiêm phòng không những giúp chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn hỗ trợ cho chăn nuôi tập trung, bởi các trang trại lớn vẫn được bố trí xen kẽ với khu vực nhỏ lẻ.
“Tiêm vacxin đến giờ vẫn là giải pháp căn cơ nhất với thực tiễn Việt Nam”, ông Minh nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn