Trong ánh bình minh mờ sương, cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) hiện lên như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Những đồi chè trải dài xanh mướt, những vườn hoa, quả tỏa sắc bốn mùa. Vẻ đẹp ấy giờ đây còn được tô điểm bởi sự thay đổi ngoạn mục trong nông nghiệp – từ cách làm thủ công truyền thống, Mộc Châu đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Bước ngoặt trong chiến lược phát triển nông nghiệp
Là một trong những vùng đất có tiềm năng nông nghiệp hàng đầu của tỉnh Sơn La, Mộc Châu từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm đặc trưng như chè, hoa quả ôn đới, rau an toàn hữu cơ, chăn nuôi… Tuy nhiên, phương thức sản xuất truyền thống chỉ giúp người nông dân duy trì cuộc sống chứ chưa thực sự nâng tầm giá trị sản phẩm. Trước nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe và thách thức từ biến đổi khí hậu, nông nghiệp Mộc Châu đứng trước yêu cầu phải thay đổi.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mộc Châu đã xây dựng Đề án số 01-ĐA/HU ngày 15/3/2021 về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025. Đây được coi như một bước ngoặt trong chiến lược phát triển nông nghiệp của huyện. Đề án đặt mục tiêu đưa công nghệ cao và sản xuất hữu cơ vào nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mộc Châu cho biết: “Đề án số 01 không chỉ là kế hoạch phát triển mà còn là lời cam kết của chính quyền và người dân Mộc Châu trong việc thay đổi tư duy làm nông nghiệp thông minh hơn, hiệu quả hơn”.
Trái ngọt bước đầu từ sự đổi mới
Để hiện thực hóa mục tiêu của Đề án, chính quyền huyện Mộc Châu đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Trong đó, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai, thường xuyên, quyết liệt trong công tác chỉ đạo và kiểm tra các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ cao và sản xuất hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Trong khi đó, người dân với tinh thần học hỏi đã mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. “Trước kia, ruộng nương trong bản đều trồng ngô là chính, trồng rau ít nhưng chất lượng sản phẩm thấp, làm ít mà vẫn không tiêu thụ hết, nhiều lúc phải đổ đi. Khi thành lập tổ hợp tác năm 2011, người dân chưa hiểu về VietGap, chưa thấy được lợi ích từ việc xây dựng thương hiệu rau an toàn nên ít người tham gia. Tuy nhiên, sau 2 năm, chứng kiến giá trị sản phẩm nông sản được nâng cao, được chứng nhận VietGap và xây dựng thành công thương hiệu rau an toàn Mộc Châu, sản phẩm rau tiếp cận được thị trường rộng hơn; đặc biệt sau thời gian thử nghiệm trồng rau trái vụ thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân đã đăng ký tham gia HTX”, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, quản lý HTX Rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu cho biết.
Thời gian qua, bên cạnh sự hỗ trợ từ chính quyền, các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và phát triển chuỗi giá trị nông sản. Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên là một trong những đơn vị điển hình. Từ việc áp dụng công nghệ vào sản xuất rau an toàn, đơn vị này không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa, các chợ đầu mối. Nhưng rồi, với sự hỗ trợ của Viện Rau quả và sự liên kết với các đối tác, HTX bắt đầu đưa rau vào các siêu thị lớn như Metro, BigC.
Để đảm bảo chất lượng và thời gian giao hàng, HTX đã đầu tư mua xe tải chuyên chở. Ban đầu chỉ có một xe 1 tấn, sau tăng lên hai xe. Hiện nay, mỗi ngày HTX Rau an toàn Tự Nhiên xuất từ 2-3 tấn rau, cung cấp cho các siêu thị, bếp ăn Hàn Quốc và các cửa hàng sạch từ Nghệ An đến Thanh Hóa…
Những nỗ lực của chính quyền và người dân Mộc Châu đã được đền đáp bằng những con số ấn tượng. Theo đánh giá, sau 2 năm triển khai Đề án, cuối năm 2023, huyện Mộc Châu đạt 5/7 chỉ tiêu ứng dụng công nghệ cao; đạt và vượt 2/5 chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Dù tình trạng thời tiết cực đoan với nắng nóng và hạn hán kéo dài, giá trị sản xuất bình quân trong các vùng ứng dụng công nghệ cao vẫn đạt mức 200 triệu đồng/ha; trong đó vùng chè đạt xấp xỉ 80 triệu đồng/ha, vùng mận hơn 268 triệu đồng/ha.
Nhận thấy hiệu quả, chỉ trong vài năm, diện tích nhà kính và nhà lưới tại Mộc Châu đã tăng lên gần 80 ha, diện tích tưới tiết kiệm đạt hơn 600 ha. Bên cạnh đó, hơn 1.300 ha đất canh tác đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Không chỉ tăng trưởng về lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Mộc Châu cũng ngày càng được nâng cao. Những sản phẩm như chè, mận, rau sạch, và sữa bò của Mộc Châu không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn xa đến các thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Việc áp dụng sản xuất hữu cơ cũng mang lại những lợi ích rõ rệt cho môi trường. Theo ông Trần Xuân Thành, các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học đã giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, giảm thiểu sâu bệnh, và đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Niềm tin vào tương lai xanh
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong sự thành công của Mộc Châu chính là sự thay đổi tư duy của người nông dân. Từ chỗ làm nông nghiệp theo cách thức “truyền thống ông cha”, họ đã học cách làm chủ công nghệ, hiểu rằng nông nghiệp không chỉ là công việc đồng áng mà còn là kinh doanh.
Hành trình thay đổi không hề dễ dàng. Nhiều người từng e ngại khi chuyển sang mô hình canh tác mới do chi phí ban đầu lớn và phải thay đổi toàn bộ phương pháp làm việc. Tuy nhiên, khi thấy được hiệu quả thực tế, họ dần nhận ra giá trị của sự đổi mới.
Nói về lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng từ ngô, lúa sang trồng rau an toàn, anh Nguyễn Văn Chứ, thành viên HTX Tự Nhiên cho biết: “Lúc đầu, tôi nghĩ mình già rồi, không cần học thêm gì nữa. Nhưng thấy con cháu làm mô hình mới thành công, tôi cũng thử áp dụng, và đúng là hiệu quả bất ngờ”.
“Gia đình chỉ có 2.000m2 ruộng, trước kia trồng ngô, thu nhập rất thấp. Từ ngày tham gia HTX, chuyển sang trồng rau sạch theo quy trình VietGap, theo đặt hàng của HTX nên ruộng ít cũng không sợ cạnh tranh, lại được HTX bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật nên năng suất cao, thu nhập ổn định, mỗi năm đều thu lãi từ 120 – 150 triệu đồng”, anh Nguyễn Văn Chứ cho biết thêm.
Dẫu còn nhiều khó khăn, từ kinh phí đầu tư lớn đến việc tiếp cận vốn vay, nhưng với quyết tâm của chính quyền và người dân, tương lai nông nghiệp Mộc Châu vẫn tràn đầy hy vọng. Những cánh đồng chè xanh, những nhà kính rau sạch, những đàn bò sữa được chăn nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế – tất cả đều là minh chứng cho sức sống mãnh liệt và tinh thần sáng tạo của cao nguyên này.
Cuộc cách mạng trên đồng ruộng Mộc Châu không chỉ mang lại sự thịnh vượng cho vùng đất mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những địa phương khác. Đó là câu chuyện về sức mạnh của sự đổi mới, sự hợp lực giữa chính quyền và người dân, và niềm tin vào một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Bước chân trên những cánh đồng Mộc Châu hôm nay, người ta không chỉ thấy màu xanh của cây cối mà còn cảm nhận được sắc xanh hy vọng cho một tương lai phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nguồn: nongnghiep.vn