Huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nằm ở trung tâm vùng Đồng Tháp Mười. Toàn huyện có 11 xã và 1 thị trấn. Huyện Tam Nông bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, đến nay trên địa bàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thị trấn Tràm Chim đạt chuẩn đô thị văn minh.
Hiện Tam Nông đã hoàn tất hồ sơ minh chứng gửi về Trung ương xem xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Ông Huỳnh Thanh Sơn, Bí thư Huyện ủy Tam Nông có cuộc trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, trước hết, xin ông cho biết những chuyển biến cơ bản của huyện Tam Nông sau những năm nỗ lực thực hiện Chương trình xây dựng huyện nông thôn mới?
Sau 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Tam Nông đã đạt được những thành tựu đáng kể, huy động cả hệ thống chính trị và người dân tham gia. Nhờ sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào sâu rộng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Cụ thể, sản xuất trong huyện phát triển, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, và tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo hướng bền vững. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, và các cơ sở văn hóa, đã được đầu tư và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng phát triển theo, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, và môi trường nông thôn ngày càng cải thiện.
Tổng vốn huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hơn 2.541,51 tỷ đồng, trong đó cộng đồng dân cư đóng góp hơn 165,71 tỷ đồng (chiếm 6,52%). Huyện đã đạt nhiều thành tựu cụ thể, như đầu tư nâng cấp, cứng hóa, làm mới và mở rộng 48 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 329,22km, xây mới 55 cầu giao thông nông thôn, chiều dài 2,440 km. Đầu tư nạo vét 242 công trình kênh mương, xây dựng mới 71 cống hở, 421 cống tròn, xây dựng 116km điện trung thế, 167km điện hạ thế và lắp 147 trạm biến áp; cải tạo và xây mới 198 phòng học, xây mới 11/11 trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng cấp xã và 50 nhà văn hoá ấp, trụ sở xã, trạm y tế và chợ nông thôn…
Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Và đến thời điểm này, kết quả nổi bật mà huyện Tam Nông đạt được trong việc thực hiện Chương trình xây dựng huyện nông thôn mới là gì?
Đến thời điểm hiện tại, Tam Nông đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới như đã đầu tư và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, bao gồm đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, trường học và cơ sở y tế. Đặc biệt, nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện được nâng cấp, giúp kết nối giao thông thuận tiện hơn.
Phát triển các mô hình kinh tế nông thôn như mô hình Hội quán nông dân cùng nhau làm kinh tế, tiền đề phát triển HTX hoạt động hiệu quả; mô hình khởi nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP thế mạnh của địa phương; mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp; mô hình sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim; mô hình phát triển bền vững Đề án một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đến năm 2030 trên địa bàn…
Đời sống dân cư được cải thiện, giúp thu nhập bình quân đầu người của người dân Tam Nông tăng lên đáng kể nhờ các chính sách phát triển kinh tế, hỗ trợ vay vốn và các chương trình khuyến khích sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Để huyện Tam Nông cán đích nông thôn mới trong năm nay, theo ông, những khó khăn nào cần tháo gỡ để huyện thực hiện thành công mục tiêu của chương trình này?
Để huyện Tam Nông cán đích nông thôn mới vào cuối năm, thời gian tới, huyện phải tập trung tháo gỡ một số khó khăn. Trước hết, tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến ấp để nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về chương trình. Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, là nhiệm vụ thường xuyên và của cả hệ thống chính trị, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu. Tiếp tục phát động phong trào thi đua “Tam Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” và thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện chương trình.
Hai là tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thu hút các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tăng cường liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển vùng lúa chất lượng cao.
Ba là, tiếp tục huy động và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại. Tập trung tuyên truyền và nâng cao nhận thức để người dân tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện tốt việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để rác thải ra môi trường, không để phát sinh tồn đọng rác thải trên địa bàn huyện.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: nongnghiep.vn