Tắm nước ngọt cho cá biển
Sau bão số 3, ngoài số lồng bè nuôi cá ở Cát Bà bị ảnh hưởng, gia đình ông Đinh Như Đang còn lại gần 100 ô lồng với khoảng 60 tấn cá các loại. Dù thiệt hại không nhiều nhưng cá bị xây xát nhiều, chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng nên dịch bệnh rình rập, nguy cơ ảnh hưởng đến đàn cá nuôi rất lớn.
Rút kinh nghiệm từ đợt dịch bệnh trên đàn cá cuối năm 2023, năm nay ông Đinh Như Đang đã cẩn trọng hơn trong việc phòng chống, ngoài đảm bảo lượng thức ăn, việc tắm cho cá được thực hiện thường xuyên, định kỳ để đảm bảo sức đề kháng và khả năng phòng bệnh, nhất là với cá Song.
Ông Đang cho biết, định kỳ mỗi tháng sẽ cho cá tắm nước ngọt từ 3-4 lần, mỗi lần từ 15-20 phút, quá trình tắm sẽ cho thêm thuốc khử trùng hoặc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn bám trên cá. Nhờ vậy, đến nay đàn cá vẫn khỏe mạnh, chưa có biểu hiện dịch bệnh nguy hiểm.
“Sau bão nguồn nước bị ảnh hưởng, nhiều ô lồng, cá bị xây xước do va đập, nhất là cá to, do đó tôi phải bố trí tắm thường xuyên. Đến nay, dù đã vào thời điểm dịch bệnh thường bùng phát nhưng đàn cá vẫn phát triển ổn định, chưa có biểu hiện bất thường”, ông Đang chia sẻ.
Tại khu vực bảo tồn, lưu giữ nguồn gen hải sản – Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản Miền Bắc, trực thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (Bộ NN-PTNT) đóng trên vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà, nơi đây đang lưu giữ hơn 15 loài cá biển quý hiếm và 5 loài nhuyễn thể có giá trị thương mại. Một số cá thể cá song, với trọng lượng lên tới hàng trăm kg, mỗi loài được nuôi riêng biệt trong các lồng chuyên dụng, với sự theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Theo ông Phạm Văn Thìn – Trưởng phòng Bảo tồn, lưu giữ giống gốc và nguồn gen hải sản (Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc) cho biết, hoạt động chủ yếu của phòng tập trung vào chăm sóc, bảo quản và nhân giống các loài cá biển có giá trị kinh tế cao, nhằm duy trì đa dạng sinh học.
“Trong quá trình tắm, tùy tình hình thực tế mà có thể cho thêm thuốc sát trùng để trành trường hợp cá bị thương dễ sinh bệnh. Chỉ khi cá bị bệnh mới dùng thuốc, còn lại tắm nước ngọt là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh”, ông Thìn chia sẻ.
Cá được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những cá thể khỏe mạnh, ưu tú nhất, sẽ được nuôi dưỡng để phục vụ công tác nghiên cứu và cung cấp giống cho người dân. Đặc biệt chú trọng đến các loài có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nhờ phòng, chống dịch bệnh hiệu quả mà những năm qua trung tâm đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn các giống hải sản quý hiếm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân và phục vụ nghiên cứu khoa học.
Quá trình nuôi cá biển, việc phòng chống dịch bệnh là rất quan trọng, nhất là trong thời điểm giao mùa. Trung tâm từng thiệt hại lớn do dịch bệnh trên đàn cá vào năm 2015, thời điểm đó do ảnh hưởng mưa lớn làm thay đổi môi trường đã khiến khoảng 1/3 đàn cá lưu giữ trong các bè của đơn bị bệnh.
Theo ông Thìn, cá hay mắc bệnh vào mùa khô, bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, khi lượng mưa ít, độ mặn nước biển sẽ tăng, có thời điểm lên đến 35 phần nghìn. Đây là môi trường thích hợp cho nhiều loại kí sinh trùng phát triển nên cá dễ mắc bệnh nên sẽ phải tắm nước ngọt để phòng bệnh.
Do đó, để phòng bệnh hữu hiệu là cho cá ăn thức ăn chất lượng tốt, tắm thường xuyên bằng nước ngọt để tránh ký sinh trùng. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu và dễ thực hiện nhất để loại bỏ ký sinh trùng bám trên cá.
Để tắm nước ngọt, một số ô lồng không có cá sẽ được trải bạt rồi ràng buộc chắc chắn, sau đó sẽ bơm nước ngọt vào rồi thả cá vào cho tắm. Qúa trình tắm kết hợp tắm với sát trùng khi cá bị xây xát trong quá trình thao tác. Định kỳ, mỗi tháng cá biển sẽ tắm từ 3-4 lần để loại bỏ ký sinh trùng, tránh gây ngứa và xây xát.
Sử dụng thuốc hợp lí, khoa học
Nhiều năm trở lại đây, sự gia tăng quy mô và mật độ nuôi trồng thủy sản đã dẫn đến sự bùng phát ngày càng nghiêm trọng các dịch bệnh trên cá nuôi, đặc biệt là cá biển. Việc thiếu kiểm soát trong quá trình vận chuyển và buôn bán cá giống đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan nhanh chóng của các tác nhân gây bệnh.
Thực trạng này đòi hỏi sự ứng dụng nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế và tính bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản. Các bệnh thường gặp ở cá biển nuôi lồng, chủ yếu do vi khuẩn Vibrio, flexibacter hoặc các loại ký sinh trùng như: Benedenia, neobenedenia, diplectanum,… gây ra các tổn thương trên da, mang và các cơ quan khác.
Triệu chứng thường thấy bao gồm xuất huyết, sưng tấy, loét da. Sự ô nhiễm môi trường nước, biến động thời tiết, và các thao tác thiếu kỹ thuật trong quá trình chăm sóc cũng góp phần làm giảm sức đề kháng của cá, tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của mầm bệnh.
Khuyến cáo với người dân, ông Phạm Văn Thìn cho biết, điều đầu tiên khi nuôi cá lồng bè trên biển là lưu ý mùa vụ và thời điểm dịch bệnh khi nuôi thủy sản. Mật độ nuôi cá ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và sức khỏe của cá. Nếu quá dày đặc dễ dẫn đến chậm lớn và dịch bệnh.
“Quá trình lưu giữ con giống tại Cát Bà, chúng tôi thường xuyên trao đổi học hỏi với người dân nuôi cá lồng bè tại đây để chia sẻ những kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi. Nhiều người có những kinh nghiệm rất hay, chúng tôi hoàn toàn có thể học hỏi lẫn nhau”, ông Thìn chia sẻ thêm.
Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, tại Cát Bà hiện có gần 100 cơ sở lồng bè nuôi cá lồng, để hạn chế tối đa rủi ro dịch bệnh, việc lựa chọn vị trí đặt lồng bè cần được ưu tiên, tránh các khu vực ô nhiễm nguồn nước. Cá giống cần được chọn lọc kỹ càng, đảm bảo khỏe mạnh, không có dị tật hay dấu hiệu bệnh tật, đồng thời tránh thả nuôi với mật độ quá dày.
Song song với đó, chất lượng thức ăn là yếu tố quyết định đến sức khỏe của cá nuôi. Việc sử dụng cá tạp, cá vụn – nguồn thức ăn phổ biến trong nuôi cá biển – tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh và gây ô nhiễm môi trường do thức ăn thừa. Do đó, việc quản lý nguồn thức ăn, loại bỏ thức ăn ôi thiu, hư hỏng là điều cần thiết.
Việc giám sát chặt chẽ các chỉ số môi trường, vệ sinh lồng bè, đảm bảo lưu thông dòng chảy và nồng độ oxy hòa tan trong nước là các biện pháp phòng ngừa không thể thiếu. Khi phát hiện bất thường về chất lượng nước, như nước nhớt hoặc xuất hiện váng, cần tiến hành vệ sinh và khử trùng ngay lập tức.
Cùng với đó, việc sử dụng thuốc và hóa chất trong phòng và trị bệnh cần được thực hiện một cách khoa học và tuân thủ đúng hướng dẫn. Người nuôi cá cần tuân thủ các quy trình an toàn sinh học, điều này rất quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh. Đặc biệt khi phát hiện cá chết do dịch bệnh, cần thu gom và xử lý cá chết một cách an toàn, tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Công Thành – Trung tâm Quan trắc môi trường biển (Viện Nghiên cứu Hải sản) cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tại Cát Bà xuất hiện tình trạng cá song nuôi bị chết hàng loạt. Sau khi kiểm tra mẫu cá, phát hiện có dấu hiệu nhiễm vi khuẩn. Để ngăn chặn tình trạng cá chết, cơ quan chức năng đã khuyến cao người dân tách đàn cá chưa bị bệnh ra khu biệt lập. Sau đó, tình trạng cá chết được khống chế, ổn định cho đến nay.
Nguồn: nongnghiep.vn