Bên lề sự kiện khai mạc Con đường lúa gạo Việt Nam, hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 diễn ra từ ngày 11-14/12/2023 tại TP. Vị Thanh, Hậu Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đã có những chia sẻ với về những mục tiêu của Festival lúa gạo quốc tế lần này cũng như những định hướng của ngành lúa gạo tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.
Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Festival lúa gạo mang tầm quốc tế tại Hậu Giang, có thể nói đây là niềm tự hào vô cùng lớn của tỉnh, ông có thể chia sẻ thêm về sự kiện này?
Tỉnh Hậu Giang được thành lập ngày 1/1/2004. Năm 2009 là kỷ niệm 5 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang đã xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang năm 2009. Hậu Giang là tỉnh đầu tiên tổ chức Festival lúa gạo (năm 2009) ở Việt Nam. Sau quá trình triển khai thực hiện, các tỉnh như Sóc Trăng, Long An, Vĩnh Long đã tiếp tục đăng cai tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam từ năm 2011 – 2021.
Nhân dịp kỷ niệm chào mừng 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang ngày 1/1/2024, Hậu Giang đã làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, mong muốn được tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự thống nhất của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang năm 2023 đã được tổ chức tại tỉnh. Đây là Festival quốc tế về lúa gạo đầu tiên mà Hậu Giang đứng ra cùng Bộ NN-PTNT tổ chức.
Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Hậu Giang đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, đặc biệt cùng với Bộ trưởng và các Thứ trưởng của Bộ NN-PTNT chỉ đạo sát sao cho Festival lần này. Đến nay, cơ bản các công việc đã hoàn thành để phục vụ Lễ khai mạc.
Ông có thể cho biết những mục tiêu chính mà Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 lần này đề ra?
Trong giai đoạn hiện nay, lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Hậu Giang mong muốn nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Lúa gạo là một trong những ngành hàng mà phát thải khí nhà kính chiếm tỷ trọng tương đối lớn.
Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Vì thế, tại Festival lần này, các hội thảo có nội dung rất phong phú, từ việc ứng dụng giống lúa cho đến bàn vấn đề sử dụng các phương pháp canh tác lúa thế nào để có thể nhân rộng diện tích sản xuất nhằm giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu của Đề án.
Trên tinh thần đó, chúng tôi đã và đang hoàn thiện công tác phục vụ cho các hoạt động diễn ra từ ngày 11/12, đó là khai mạc Con đường lúa gạo Việt Nam, cũng như các hoạt động của ngày 12/12 và các hoạt động diễn ra xuyên suốt Festival.
Với chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt”, Con đường lúa gạo Việt Nam là một trong những điểm nhấn đặc biệt của Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, ông có thể giới thiệu thêm về không gian này?
Con đường lúa gạo Việt Nam được bố trí trải dài dọc kênh Xáng Xà No, không chỉ góp phần truyền đi thông điệp festival lúa gạo, mà còn đưa khách tham quan đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi khám phá, trải nghiệm quá khứ, hiện tại, tương lai của lúa gạo Việt Nam.
Con đường lúa gạo tái hiện lại 4 giai đoạn sản xuất lúa nước của Việt Nam, từ thời sơ khai, tiểu nông, đến công nghiệp hóa hiện đại hóa và đến công nghệ 4.0. Việc tái hiện này giúp người dân cũng như khách quốc tế hiểu rõ thêm về 4 giai đoạn phát triển của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong suốt hành trình ngàn năm lúa gạo Việt.
Một điểm nhấn nữa của Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 chính là lễ khai mạc. Kịch bản chương trình có sự khác biệt so với các chương trình trước đây. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối 12/12.
Định hướng của ngành hàng lúa gạo Hậu Giang trong thời gian tới để đạt những mục tiêu đã đề ra trong Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” là gì, thưa ông?
Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Hậu Giang đã cùng với các tỉnh trong vùng tham gia đóng góp ý kiến cho Đề án này.
Ngay từ Dự thảo Đề án, Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch để quyết tâm cùng 12 tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long làm sao đạt được mục tiêu của Đề án.
Hậu Giang đã khảo sát, phân tích khả năng tham gia thực tế để đăng ký diện tích tham gia thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Cụ thể, giai đoạn đến 2025 là 28.000ha, đến năm 2030 là 46.000ha.
Trong thời gian qua, nhất là gần đây, giá lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như trên thị trường quốc tế đang là một vấn đề nổi lên hết sức khó khăn. Chúng ta phải có định hướng làm sao để ngành hàng lúa gạo phải được giá nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững để tăng thu nhập cho người nông dân. Đây là mục tiêu chính mà Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đặt ra nhằm đưa giá trị hạt gạo Việt Nam cao hơn và tăng thu nhập cho nông dân trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: nongnghiep.vn