Tại Hội nghị triển khai công tác pháp chế năm 2025, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Võ Văn Hưng nhận xét, nông nghiệp và phát triển nông thôn là một lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành và địa phương. Chính bởi vậy, nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rất nặng nề.
“Năm vừa qua, lực lượng pháp chế ngành nông nghiệp đã tham mưu Chính phủ, Bộ NN-PTNT ban hành hàng trăm văn bản, trong đó có 10 luật, 1 nghị quyết”, Thứ trưởng chia sẻ, nhấn mạnh rằng chính nhờ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định đầy đủ, chi tiết và bao phủ khắp các lĩnh vực, đã góp phần giúp toàn ngành tạo ra nhiều kỳ tích trong năm 2024, tiêu biểu là xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng ngành đạt chỉ tiêu Chính phủ giao.
Chuyển đổi từ ‘quản lý hành chính’ sang “kiến tạo và phát triển”
Với bối cảnh và yêu cầu đổi mới trong công tác pháp chế ở kỷ nguyên mới, khi Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển với những yêu cầu cao về hộp nhập quốc tế và đổi mới sáng tạo, công tác pháp chế phải chuyển mình để đáp ứng những đòi hỏi ngành càng phức tạp của thực tiễn.
Theo Thứ trưởng Võ Văn Hưng, trước đây, công tác pháp chế chủ yếu dựa trên tư duy “quản lý hành chính”, tập trung vào việc ban hành và giám sát thực thi các quy định. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra yêu cầu cần có một cách tiếp cận mới, trong đó chuyển đổi từ “quản lý hành chính” sang “kiến tạo và phát triển”, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, huy động nguồn lực và tạo động lực phát triển bền vững.
Tư duy “quản lý hành chính” trong công tác pháp chế tồn tại nhiều hạn chế. Đầu tiên, sự thiếu linh hoạt và đổi mới là một vấn đề lớn khi các quy định pháp luật thường mang tính nguyên tắc, cứng nhắc, khó theo kịp những thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế và xã hội. Ngoài ra, việc tập trung quá mức vào kiểm soát và tuân thủ đã khiến công tác pháp chế trở nên nặng nề, với trọng tâm là quản lý và kiểm tra, thay vì khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Những rào cản từ các chính sách pháp luật bất cập, chồng chéo đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên, vốn và công nghệ, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội.
Trong khi đó, tư duy “kiến tạo và phát triển” đặt pháp chế vào vai trò như một công cụ tạo ra môi trường thuận lợi để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tư duy này tập trung vào việc tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển thay vì chỉ kiểm soát hành vi. Pháp chế trở thành cầu nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân để xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, chú trọng tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong thực thi pháp luật.
Nhiệm vụ cấp thiết để pháp chế trở thành động lực phát triển
Vai trò của pháp chế trong kiến tạo phát triển thể hiện qua nhiều khía cạnh quan trọng, góp phần thúc đẩy đổi mới và tạo nền tảng bền vững cho nền kinh tế – xã hội. Trước hết, pháp chế đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo bằng cách xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và nông dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý. Bên cạnh đó, pháp chế cũng thúc đẩy liên kết và hợp tác bằng cách tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, hiệp hội và người dân hợp tác trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Thứ trưởng Võ Văn Hưng cho rằng, để tạo đột phá trong công tác pháp chế, một số nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên thực hiện:
Cần tiến hành cải cách toàn diện trong xây dựng pháp luật bằng cách rà soát, sửa đổi và loại bỏ các quy định không phù hợp, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa các văn bản pháp luật.
Việc xây dựng pháp luật cần dựa trên dữ liệu thực tiễn và phản ánh đúng nhu cầu của các bên liên quan. Song song với đó, chuyển đổi số trong công tác pháp chế cũng là yếu tố quan trọng, bao gồm ứng dụng công nghệ để quản lý và giám sát hệ thống pháp luật, phát triển các nền tảng số giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin pháp luật dễ dàng hơn.
Ngoài ra, cần chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác pháp chế, đảm bảo cán bộ được đào tạo chuyên sâu với tư duy “kiến tạo”, đồng thời học hỏi và áp dụng các mô hình pháp chế tiên tiến trên thế giới. Đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật cũng là nhiệm vụ quan trọng, sử dụng đa dạng các kênh để phổ biến pháp luật và tiếp thu ý kiến từ các bên liên quan nhằm điều chỉnh chính sách kịp thời. Cuối cùng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cần được thực hiện chặt chẽ hơn thông qua việc tổ chức kiểm tra định kỳ, phối hợp liên ngành, ứng dụng công nghệ số trong giám sát và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong thực thi pháp luật.
Chuyển đổi tư duy không chỉ là yêu cầu mà còn là nhiệm vụ cấp thiết để công tác pháp chế trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Thứ trưởng Võ Văn Hưng định hướng, trên tinh thần triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương, Vụ Pháp chế tiếp tục đẩy mạnh công tác tinh gọn bộ máy, một việc chỉ giao một cơ quan đơn vị, một cơ quan phải biết nhiều việc.
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Nam cho biết, trong năm tới, đơn vị sẽ tập trung triển khai chỉ đạo của Trung ương nhấn mạnh vào bốn nhóm nhiệm vụ: nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; cải cách quy trình với mục tiêu khắc phục các điểm nghẽn pháp luật;
Đẩy mạnh phân cấp, cải cách hành chính, kiểm soát quyền lực để chống tiêu cực và “lợi ích nhóm”. Đồng thời, triển khai các nghị quyết và kế hoạch hành động của Bộ đồng bộ, tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; cải cách thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”.
Về công tác truyền thông chính sách, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, các diễn đàn, sự kiện do Báo phối hợp với các Cục, Vụ thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức về truyền thông chính sách cho các ngành đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp, người dân. Điều này được thể hiện rõ ràng qua con số đăng ký tham gia, theo dõi diễn đàn trực tiếp và trực tuyến.
Ông Thạch cho rằng công tác truyền thông chính sách cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trên tinh thần phối hợp, đồng hành, ngay từ khi dự thảo chính sách, các cơ quan, đơn vị cần bắt tay với báo chí, truyền thông để lan tỏa đến các kênh thông tin tiếp nhận, từ đó tiếp nhận phản hồi, ý kiến nhằm cải thiện, sửa đổi, bổ sung chính sách hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế. Bên cạnh đó, cần “mềm hoá thông tin” để chính sách đến với người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Nguồn: nongnghiep.vn