Những mầm xanh hi vọng
Những ngày đầu tháng 10/2024, các hộ dân trồng táo muối ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn đang tất bật, căng sức để chăm sóc những cây táo bị ảnh hưởng sau bão số 3 với hy vọng “còn nước còn tát”, gắng chăm bón để cây kịp ra hoa, đậu quả phục vụ dịp Tết Nguyên đán như dự định.
Tại vườn của gia đình ông Bùi Duy Dũng ở tổ dân phố Đồng Tiến 2 (nguyên Bí thư Đảng ủy phường Bàng La), hình ảnh đập vào mắt chúng tôi chính là những cây táo trơ trọi đang lún phún những lộc non, còn phần gốc đã được cắt tỉa và vun xới cẩn thận.
Ông Dũng chia sẻ, mô hình trồng táo leo giàn của gia đình được học hỏi từ các tỉnh phía Nam như: Ninh Thuận và Bình Thuận, khi trồng cây không chỉ cho năng suất gấp đôi cách trồng truyền thống mà còn có thể phát triển du lịch sinh thái, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại.
Bên cạnh đó, với những vườn trồng táo theo phương pháp truyền thống, mỗi năm cây chỉ cho quả vào dịp cuối năm, còn mô hình táo leo giàn sẽ cho thu hoạch cả vụ hè và vụ đông. Với không gian xanh mà vườn táo mang lại, địa phương cũng có thể kết hợp để phát triển du lịch sinh thái vườn vào mùa hè, tạo cảnh quan tươi đẹp cho du khách đến tham quan.
Táo muối Bàng La đã được UBND thành phố Hải Phòng công nhận chỉ dẫn địa lí, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Phường đang thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc theo chương trình VietGap.
Trước thời điểm bão về, cả vườn cây trĩu quả, chuẩn bị được thu hoạch cho vụ táo trái vụ. Tuy vậy, chỉ sau 1 buổi chiều, toàn bộ hơn 300 gốc táo đều bị thiệt hại, ngoài một số cây bật gốc hoặc gãy cành, toàn bộ hoa và quả đều “bay” sạch. Ước tính số tiền thiệt hại trong vụ táo trái vụ và vụ táo Tết Nguyên đán sắp tới xấp xỉ gần 1 tỷ đồng.
“Cây không đổ nhưng hoa và quả rụng hết sạch, cả vườn táo gần như không còn gì cả. Những ngày qua tôi cố gắng đi cắt tỉa, thu gom những cành cây bị gió bão đánh gãy và chăm sóc lại vườn táo với hy vọng cứu cây là chính”, ông Dũng cho hay.
Cũng tương tự như gia đình ông Dũng, ngay xung quanh, hàng loạt hộ dân trồng táo cũng gặp phải tình cảnh tương tự, cơn bão số 3 thổi bay toàn bộ số hoa và quả trên cây, cuốn đi bao dự định, niềm hy vọng về vụ táo bội thu. Tuy vậy, người dân đã nhanh chóng quên đi thiệt hại, dồn hết tâm sức để khắc phục hậu quả. Trong điều kiện cây táo cho quả đúng vụ tới, người nông dân có thể gỡ lại được 25 – 30% vụ táo này.
Vừa vun gốc cho cây táo đã được cắt hết cành, lá, chị Phạm Thị Phúc trú tại tổ dân phố Đại Thắng cho hay, sau khi bão đi qua, dù rất xót xa khi nhìn vườn táo bị quật tơi tả nhưng gia đình đã nhanh chóng dọn dẹp, xử lí các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Dù vụ này gần như sẽ mất trắng nhưng điều may mắn nhất chính là những gốc táo không bị bật gốc, từ đó rút ngắn được thời gian chăm sóc và cây cũng phục hồi được nhanh chóng. Hiện nay, nhiều cây đã bắt đầu cho ra chồi non, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi và chăm sóc đúng cách, cây sẽ ra hoa, đậu quả để phục vụ đúng dịp Tết Nguyên đán.
“Chúng tôi sẽ chăm sóc thật tốt để những cây táo sớm cho ra chồi non, hi vọng sẽ cho quả trong vụ Tết Nguyên đán. Cùng với đó, gia đình sẽ trồng thêm một số loại rau và cà chua để lấy ngắn nuôi dài, có thêm một chút kinh tế để trang trải cuộc sống”, chị Phúc kỳ vọng.
Cơ bản đã giữ được cây
Theo ông Nguyễn Thành Kiên, Chủ tịch UBND phường Bàng La, bão số 3 đi qua, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Ngoài hơn 1.500 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, 20ha cây rau màu bị ngập úng, chết thì 130ha cây ăn quả (120ha táo) bị ảnh hưởng, nhiều diện tích bị chết cây, mất trắng, đặc biệt vụ táo năm 2024. Ước tính thiệt hại riêng cây táo lên tới 40 tỷ đồng.
Sau khi bão tan, UBND phường Bàng La đã nhanh chóng lên kế hoạch phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng để tổ chức lớp tập huấn cho bà con trồng táo trên địa bàn về kỹ thuật cắt ngọn, chăm sóc để táo kịp ra hoa, đậu quả phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết Nguyên đán 2025. Với những người có kinh nghiệm lâu năm, việc quan trọng nhất lúc này chính là đã giữ được cây, không để bị chết.
Trao đổi cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Cao Thanh Huyền – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, sau khi nắm bắt được thông tin thiệt hại, đơn vị đã bám sát các địa bàn, trực tiếp gặp gỡ và hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả. Cùng với đó, Trung tâm khuyến nông đã xây dựng video hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khôi phục vườn táo sau bão để giúp bà con kịp thời cập nhật và thực hiện chăm sóc kịp thời.
Đối với những vườn cây bị ngập nặng, cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn người dân tập trung khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước một cách nhanh nhất, giảm tình trạng ngập úng kéo dài. Khi nước rút những cây bị vàng lá, thối rễ không còn khả năng hồi phục được loại bỏ ra khỏi vườn cây. Sau đó rắc vôi bột, tưới thuốc nấm, thuốc trừ tuyến trùng vào khu vực cây bị tiêu huỷ nhằm hạn chế nguồn bệnh, tuyến trùng lây lan trong vườn.
Để khôi phục, cán bộ khuyến nông cũng đã hướng dẫn người dân tiến hành dựng, buộc và lèn chặt gốc, gia cố cây bằng cọc, giàn, tránh cây bị lung lay gốc. Cắt bỏ các cành cấp 1 bị dập, gãy. Với những cây không bị gãy thì duy trì từ 4-5 cành cấp 1/cây.
Với những cây không còn đủ cành cấp 1 bổ sung bằng mầm gốc, tùy theo thể trạng của cây mà cân đối số cành, bấm ngọn cho phù hợp. Cán bộ khuyến nông cũng đã khuyến cáo người dân tuyệt đối không bón phân NPK ngay sau khi cây bị ngập úng, tránh gây ngộ độc cho bộ rễ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của cây.
Do được hướng dẫn kịp thời, đến nay các vườn táo ở Bàng La gần như đã được cắt tỉa, vun xới và chăm sóc trở lại, nhiều cây đã đâm chồi trở lại được khoảng 20cm, một số cành đã có hoa. Việc cứu cây bước đầu đã có hiệu quả, thậm chí một số hộ dân đã nghĩ đến việc thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
“Chúng tôi đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn rất cụ thể cho người dân. Về cơ bản đợt hoa và quả này không còn gì, chúng tôi cũng đã khuyến cáo với bà con rằng vụ táo 2024, mục tiêu giữ cây là chính, giảm tối đa tình trạng cây bị chết do ảnh hưởng của mưa bão”, bà Huyền cho hay.
Phường Bàng La hiện nay có 50% hộ dân trồng táo với diện tích canh tác khoảng 120ha, mỗi năm cho ra thị trường khoảng 3.000 tấn táo, thu về từ 50 – 60 tỷ đồng. Táo được trồng chủ yếu phục vụ dịp Tết và trong nhiều năm trở lại đây, cây táo trở thành nguồn thu chính, là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.
Nguồn: nongnghiep.vn