Trên địa bàn huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) có tổng đàn trâu bò hơn 13.000 con, đàn lợn hơn 67.000 con, đàn dê hơn 12.000 con, đàn gia cầm hơn 800.000 con. Ngành chăn nuôi của huyện đang chuyển dịch sang chăn nuôi tập trung với 18 trang trại chăn nuôi lợn, quy mô trên 25.000 con, 6 trang trại chăn nuôi gia cầm, quy mô hơn 100.000 con.
Ông Lưu Tuấn Nghĩa, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Thủy cho biết: “Sau mưa bão, ngành chăn nuôi của huyện đối diện với nhiều khó khăn do xác chết động vật trôi nổi ngoài môi trường; các bãi chăn thả bị ngập úng; việc di chuyển đàn vật nuôi từ nơi ngập úng đến nơi an toàn khiến nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh trên động vật là rất lớn”.
Ông Nghĩa cho biết thêm, ngay sau mưa bão kết thúc, UBND huyện Cẩm Thủy đã triển khai phương án phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong đó tập trung tháng tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng; hướng dẫn bà con thu gom rác thải, vật dụng chăn nuôi để xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường.
“Huyện đã phân công cán bộ giám sát dịch bệnh đến thôn, tổ dân phố nhằm cảnh báo và xử lý dứt điểm dịch bệnh phát sinh trong phạm vi nhỏ lẻ không để địch bệnh lây lan diện rộng. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật về phòng chống dịch, không vứt xác chết động vật ra môi trường.
Thực hiện tiêu độc khu vực chuồng trại bị ngập úng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng hướng dẫn bà con bổ sung thêm các chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Triển khai tốt công tác tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 cho vật nuôi năm 2024 tại nơi xảy ra ổ dịch cũ và những nơi bị ngập lụt”, ông Lưu Tuấn Nghĩa cho biết.
Cùng với việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo môi trường sống cho vật nuôi, huyện Cẩm Thủy còn tăng cường giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Nếu phát hiện gia súc, gia cầm có biểu hiện ốm, chết, các hộ tiến hành cách ly chuồng trại và kịp thời báo cáo cho cơ quan thú y cũng như chính quyền địa phương sớm có biện pháp xử lý.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Thủy, trong năm 2024, do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là sau mùa mưa lũ, nên tổng đàn vật nuôi tại địa phương được duy trì, không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, để ngăn ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương sau mưa bão, cùng với đó là thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm” trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2024.
Đợt cao điểm diễn ra từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã phân bổ và cấp phát hơn 16.000 lít hóa chất sát trùng, hơn 2.700 chiếc khẩu trang, gần 3.000 đôi găng tay cao su, hàng nghìn bộ quần áo bảo hộ và ủng cao su cao cổ cho các địa phương để tiến hành vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các chợ buôn bán, giết mổ, tập kết, thu gom gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, khu vực biên giới ít nhất 1 lần/tuần.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trong mùa mưa bão, việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cần được các hộ chăn nuôi thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần theo dõi thời tiết, có kế hoạch dự trữ thức ăn, nước uống cho vật nuôi, chủ động kiểm tra, gia cố vững chắc chuồng trại và di dời đàn vật nuôi đến nơi an toàn nếu có nguy cơ ngập lụt.
Nguồn: nongnghiep.vn