Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tuy nhiên, sản xuất hoàn toàn hữu cơ là rất khó. Vì vậy, sau mấy năm triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay, chỉ có hai cơ sở sản xuất ở Tây Ninh đã đăng ký sản xuất hoàn toàn hữu cơ. Cụ thể, một cơ sở sản xuất hoàn toàn hữu cơ cây bí đỏ và một cơ sở sản xuất hoàn toàn hữu cơ với cây khoai mì. Sản lượng sản phẩm hoàn toàn hữu cơ của 2 cơ sở này hiện vẫn chưa nhiều.
Trong khi đó, sản xuất theo hướng hữu cơ ở Tây Ninh đang có xu hướng tăng lên. Như ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (huyện Tân Châu) đã có 30ha mãng cầu được chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, còn rất nhiều diện tích nông nghiệp ở Tây Ninh đang sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP mà trong đó tỷ lệ sử dụng các loại phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang tăng lên.
Để phát triển sản xuất hữu cơ trên địa bàn, ngành nông nghiệp Tây Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, trước hết là chú trọng tới truyền thông. Theo đó, thông qua truyền thông, ngành nông nghiệp Tây Ninh giải thích cho người sản xuất, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh biết được ý nghĩa của việc chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Việc chuyển đổi ấy sẽ góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đồng ruộng, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Khi đã hiểu được tầm quan trọng của sản xuất hữu cơ, nông dân sẽ dần chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ và người tiêu dùng sẽ sẵn sàng ủng hộ các loại nông sản hữu cơ hay được sản xuất theo hướng hữu cơ.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Tây Ninh cũng đang tích cực hướng dẫn, khuyến khích nông dân chuyển đổi dần sang sản xuất hữu cơ.
Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ những chuỗi liên kết sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn khác cũng góp phần thúc đẩy sản xuất hữu cơ. Vì để đạt được những tiêu chuẩn này, nông dẫn phải chú trọng các biện pháp sản xuất an toàn, trong đó có việc sử dụng nhiều hơn những loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ trong quá trình sản xuất.
Trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp thời gian qua, Sở NN-PTNT Tây Ninh thường xuyên kiểm tra những cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc kiểm tra thường xuyên, trước hết là để ngăn chặn kịp thời những sản phẩm độc hại, những sản phẩm đã bị cấm sử dụng, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm hạn chế sử dụng trên một số đối tượng cây trồng…
Ông Xuân cho rằng, việc kiểm tra thường xuyên của cơ quan chức năng sẽ khiến những cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Qua đó, tạo ra cơ hội cho những loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học được tiêu thụ nhiều hơn trên thị trường.
Để phát triển sản xuất hữu cơ, không thể không phát triển thị trường nông sản hữu cơ, nông sản được sản xuất theo hướng hữu cơ. Vì vậy thời gian qua, Sở NN-PTNT Tây Ninh đã khuyến khích quảng bá, giới thiệu những nông sản an toàn, nông sản ứng dụng sản xuất hữu cơ tới những hệ thống bán lẻ như Co.op Mart, Bách Hóa Xanh… với mong muốn những hệ thống bán lẻ sẽ hình thành những cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm hữu cơ hay VietGAP, qua đó tạo cơ hội cho những sản phẩm này được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn trên thị trường.
Nguồn: nongnghiep.vn