Đó là những nhận định của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tại Hội thảo chuyên đề “Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động”, do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 30/8.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết: Sân bay Long Thành, một trong 16 sân bay được mong chờ nhất, với mục tiêu trở thành Trung tâm trung chuyển của khu vực và mở ra bầu trời thế giới. Sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, dự án có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của tỉnh Đồng Nai từ 3-5%.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai, nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, phát triển thương mại dịch vụ, bảo vệ môi trường… chính là những thách thức lớn đối với địa phương trong thời gian tới. Do đó, để phát huy lợi thế sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều giải pháp như lập quy hoạch vùng sân bay, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, quy hoạch hệ thống logistics khu vực vùng sân bay và vùng phụ cận sân bay… nhằm tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Sau một thời gian dài đạt mức tăng trưởng cao, tỉnh Đồng Nai bắt đầu có dấu hiệu chững lại, kinh tế, xã hội của tỉnh đã phát sinh những “điểm nghẽn”, “nút thắt” cản trở sự phát triển. Đồng Nai có khả năng tụt hậu về kinh tế so với các tỉnh thành”, ông Đức nhấn mạnh.
Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Đồng Nai cũng cho hay, 8 tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư trong nước của tỉnh đạt hơn 42.000 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1,089 tỷ USD; tăng 34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chất lượng thu hút đầu tư vẫn chưa đạt được kỳ vọng; động lực chính vẫn từ các ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư cho rằng, mặc dù thu hút đầu tư nhiều, nhưng chủ yếu các dự án hỗn hợp, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động phổ thông. Vì thế giá trị gia tăng tạo ra thấp, suất đầu tư trên mỗi ha đất công nghiệp chỉ đạt khoảng 18 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình của cả nước (22 tỷ đồng). Do đó, ông Nguyên đề nghị, tỉnh cần thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, đồng thời nhận diện rõ những thách thức sẽ phải đối mặt và giải quyết.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định, hiện nay hạ tầng Đông Nam bộ đang được Chính phủ quan tâm nhiều, với những lợi thế sẵn có kết hợp đầu tư hạ tầng đồng bộ thì trong 3 năm tới có thể sức hút của vùng sẽ quay trở lại, nhà đầu tư sẽ về nhiều. Qua đó, Đồng Nai hi vọng sẽ đón cơ hội mới, vì hiện nay với lợi thế cảng Cái Mép – Thị Vải và sân bay Long Thành đang trở thành Trung tâm mới của vùng Đông Nam bộ.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị, thời gian tới địa phương cần phải triển khai mạnh mẽ về nguồn nhân lực để phục vụ sân bay và vùng sân bay. Đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối và hoàn thiện với sân bay. Đồng thời, phải chú trọng đến việc xử lý môi trường vì hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện NetZero, cần kiểm soát kỹ môi trường, giảm thiểu tác động do môi trường gây nên để Đồng Nai cùng với cả nước hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
‘Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, vùng Đông Nam bộ trong đó có Đồng Nai với rất nhiều tiềm năng nhưng hiện tại đang có dấu hiệu chững lại trong phát triển kinh tế. Vì vậy, tỉnh cần có giải pháp và tầm nhìn mới trên cơ sở sân bay Long Thành để từ đó tạo ra đột phá giải tỏa các điểm nghẽn, nút thắt cho tỉnh phát triển’.
Nguồn: nongnghiep.vn