Ngay sau cuộc họp trực tuyến để chuẩn bị phương án ứng phó với siêu bão Yagi của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình đã yêu cầu các cấp, ngành chức năng nghiêm túc thực hiện các công điện của Thủ tướng; công điện và các văn bản chỉ đạo của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 1.000 điểm sạt lở, tăng trên 200 điểm so với trước đây. Do vậy, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương đánh giá mức độ rủi ro, nguy cơ và đưa ra từng kịch bản để ứng phó với bão, nhất là việc rà soát các điểm nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống… trước khi cơn bão vào Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, cần chủ động nắm bắt thông tin về ảnh hưởng của cơn bão đối với Thái Nguyên để tham mưu với tỉnh về việc hoãn tổ chức các hội nghị, sự kiện lớn của các địa phương và tỉnh…
Trước đó, ngày 4/9, UBND tỉnh Thái Nguyên có Công điện số 13 về việc khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 3. Trong đó yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó thiên tai theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 12 và các văn bản đã ban hành trước đó.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ, chủ động bổ sung phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của địa phương; thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ.
Các địa phương cũng cần bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy siết, nguy cơ sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.
Đối với Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh yêu cầu khẩn trương chỉ đạo, xây dựng giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo việc tiêu thoát nước tại các khu vực thường xuyên bị ngập úng khi có mưa lớn…
Để chủ động ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hạ dần mực nước đón lũ, tạo dung tích phòng lũ, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã vận hành xả nước qua tràn hồ Núi Cốc từ 14 giờ ngày 5/9 qua tràn xả lũ số 1 với lưu lượng từ 30 – 150m3/s.
Việc vận hành xả nước qua tràn dự kiến có khả năng ảnh hưởng tới nhiều tổ chức, cá nhân và người dân sản xuất, kinh doanh dọc hai bên bờ sông Công gồm các xã Phúc Trìu, Tân Cương, Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên); Bình Sơn, Bá Xuyên, Châu Sơn, Thắng Lợi, Phố Cò, Mỏ Chè (TP. Sông Công); Minh Đức, Đắc Sơn, Vạn Phái, Nam Tiến, Trung Thành, Thuận Thành (TP. Phổ Yên).
Do vậy, các tổ chức, cá nhân, người dân phía hạ du được khuyến cáo cần có biện pháp phòng tránh và chủ động trong sinh hoạt, hạn chế không hoạt động, sản xuất tại các bờ bãi sát mép sông, lưu ý an toàn khi mực nước sông Công có thể dâng cao.
Nguồn: nongnghiep.vn