Bão quật cột điện đổ nhưng lúa vẫn đứng vững
Sau khi siêu bão Yagi (bão số 3) quét qua, bức tường gạch chắc chắn dài hàng trăm mét của Viện Nghiên cứu cây trồng (Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed) ở Thái Bình đã bị gió “thổi bay”. Nghe anh em ở Viện báo cáo, người “sinh nghề tử nghiệp” với cây lúa như ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed nóng lòng như lửa đốt, chờ bão tan, gió ngớt để ra đồng thăm lúa.
Khu thực nghiệm tại xã Đông Cường, huyện Đông Hưng với hơn 4.000 giống lúa phơi bày tất thảy sự tả tơi. Cuộc đời ông Báo đã gặp rất nhiều cơn bão lớn và cũng nhiều lần chứng kiến sự vùi dập của bão với cây lúa nhưng chưa bao giờ thấy cơn bão lớn như vậy.
Nhiều ô thí nghiệm chọn dòng, cây lúa bị gió bão xé nát bộ lá, thậm chí đứt lìa khỏi thân. Những trà lúa đang thời điểm trỗ, đông sữa hoặc chắc xanh năng suất tụt dốc không phanh vì tỷ lệ hạt lép trên bông rất cao. Thế nhưng khi đi đến ô ruộng cấy lúa TBR97, ông Báo mừng rỡ vì toàn bộ cây lúa vẫn giữ được bộ lá đòng và không hề bị đổ. Càng đặc biệt hơn khi đây là trà lúa trỗ sau bão số 3, vậy nên năng suất được đảm bảo.
“Cha đẻ” của hàng loạt giống lúa thuần nổi tiếng như BC15, TBR225 chia sẻ, năng suất của cây lúa sau khi trỗ được quyết định phần lớn bởi 3 lá đòng trên cùng. Bộ lá đòng càng đứng, góc hẹp thì khả năng quang hợp càng mạnh, giúp cây phát triển khỏe, hấp thụ được nhiều dưỡng chất, tỷ lệ hạt chắc cao. Thời điểm lúa chín, nhìn mặt ruộng TBR97 chỉ toàn thấy lá nhưng ông Báo khẳng định chắc nịch năng suất lúa TBR97 phải đạt ít nhất 6,5 tấn/ha, lúa giấu bông, khoe lá mới là bội thu.
Nói đoạn, ông cúi xuống, vén lớp lá và bảo: “Các anh nhìn xem, bông lúa nhiều hạt chắc, nặng nên uốn cong hết xuống phía dưới rồi”. Cuồng phong gió bão như vậy mà cây lúa TBR97 vẫn đứng vững, chứng tỏ khả năng chống đổ và khả năng chống chịu bệnh bạc lá rất tốt. Đối với các dòng, giống được nghiên cứu lai tạo để thích ứng với biến đổi khí hậu thì “phép thử” tự nhiên luôn khắc nghiệt nhất và sòng phẳng nhất.
Ngay sau đó, Chủ tịch ThaiBinh Seed chỉ đạo anh em trong công ty lập tức lên đường, tỏa đi khắp các vùng trồng lúa TBR97 tại các địa phương từ miền núi phía Bắc đến Bắc Trung bộ thăm đồng, tổ chức hội nghị đánh giá lúa sau bão. Tin vui liên tiếp dội về từ Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang đến các tỉnh Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc… là những địa phương “mắt bão” càn quét qua khiến nhiều diện tích lúa thiệt hại nặng.
Thậm chí, bà con nông dân xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, Thái Bình còn ví von “cột điện đổ – lúa không đổ” khi nói về cây lúa TBR97. Nói có sách, mách có chứng, ông Báo lấy điện thoại mở cho chúng tôi xem bức ảnh chụp cùng ông Đỗ Văn Duynh – Giám đốc HTX Liên Giang, cùng với đó là hình ảnh những thửa ruộng lúa TBR97 vàng ruộm lá gừng bên cạnh những hàng cột điện gãy đổ.
Có người đã tặng ông Báo mấy câu thơ trên mạng xã hội Facebook: Cơn cuồng phong của bão Yagi/ Cột điện đổ, tôi không đổ/ Vẫn đứng vững trên cánh đồng màu mỡ/ Và phơi bông dưới ánh ban mai/ Bạn sẽ hỏi tôi là ai?/ Tôi đáp lại tôi là TBR97/ Được biết bao nông dân tin cậy/ Đón về làm bạn với nhà nông”.
Can trường trước thời tiết cực đoan
Dù mới được công nhận sản xuất tại miền Bắc được hơn 1 năm, tuy nhiên lượng giống TBR97 được ThaiBinh Seed cung ứng ra thị trường đã lên tới 2.000 tấn lúa cấp xác nhận mỗi năm, tương đương với 30.000ha sản xuất lúa thương phẩm trên đồng ruộng. Tuy nhiên, đó chỉ là con số công bố rất khiêm tốn bởi nhiều địa phương, bà con vẫn có thói quen giữ lúa thuần thương phẩm để làm giống vào vụ sau. Do đó, thực tế độ phủ rộng của giống lúa này còn lớn hơn rất nhiều.
Hôm 13/10 vừa rồi, chúng tôi theo chân ông Trần Mạnh Báo đi đánh giá trà lúa trỗ sau bão số 3. Từ ngoài đồng về đến khu vực nhập sản phẩm của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Định (huyện Kiến Xương, Thái Bình) đã thấy tiếng cười nói râm ran, tiếng động cơ vang cả khu vực từ cổng làng đến nhà sấy lúa. Trên sân thóc phơi vàng óng và xe của doanh nghiệp đang nhập thóc. Đây là không khí khó thấy tại nhiều địa phương trong vụ mùa năm nay.
Gặp ông Báo, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Định Trần Văn Sơn nói: “Bất ngờ quá, em không nghĩ năng suất TBR97 cao thế, cứ như không có bão số 3 xảy ra ấy”.
– Vậy năng suất bao nhiêu chú? ông Báo hỏi.
– Năng suất bình quân 170 – 180kg/sào lúa khô thủy phân 13%, đủ tiêu chuẩn nhập giống, đặc biệt có nhà đạt 240kg một sào”, ông Sơn trả lời.
Như vậy, năng suất lúa TBR97 tại đây vụ mùa này bình quân đạt 5 tấn/ha. Nếu tính năng suất theo thống kê thì có thể đạt 5,5 – 6 tấn/ha, có hộ đạt 6,5 – 7 tấn/ha.
Bí thư Chi bộ thôn Ái Quốc, xã Bình Định cũng xác nhận: “Sau bão số 3 chúng tôi nghĩ mất hết. Không ngờ năng suất bây giờ rất cao, có thể đạt trên 5 tấn/ha. Giống lúa mới TBR97 tôi cấy mấy vụ rồi, vụ nào cũng được mùa. Vụ xuân vừa rồi năng suất 7 – 8 tấn/ha. Cái anh (giống lúa TBR97) này rất ít sâu bệnh và chống chịu điều kiện thời tiết bất thuận tốt lắm. Vụ này bị bão, vậy mà năng suất vẫn cao, lúa sạch sâu bệnh, hạt vàng sáng như không có chuyện gì xảy ra vậy”.
“Mưa lời khen”
Sau bão số 3, ThaiBinh Seed tổ chức hàng loạt hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả sản xuất lúa TBR97 tại hàng chục địa phương như: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Trà Vinh, Tây Ninh… và nhận được “mưa lời khen” từ bà con nông dân cũng như các chuyên gia, nhà quản lý.
Tại Bắc Giang, mô hình sản xuất lúa TBR97 của 34 hộ dân thôn Bảo Lộc 2, xã Bảo Sơn (huyện Lục Nam) với diện tích 2ha trỗ đúng vào thời điểm bão số 3 kèm mưa lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang, lúa tại mô hình vẫn đạt năng suất hơn 61 tạ/ha, cao hơn so với giống lúa đối chứng (Khang dân 18 đạt năng suất 5,5 tạ/ha).
Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang, giống TBR97 có thời gian sinh trưởng ngắn từ 96 – 100 ngày đối với vụ mùa (tính từ lúc cấy), thuận lợi cho việc bố trí gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Đặc biệt, TBR97 là giống lúa thuần chất lượng, có năng suất cao, chiều cao cây trung bình, có khả năng chống đổ tốt, chống chịu tốt với bệnh đen lép hạt, đạo ôn, khô vằn, chịu thâm canh.
Qua sản xuất thử, Sở NN-PTNT Bắc Giang đã quyết định đưa giống lúa chất lượng TBR97 vào cơ cấu gieo trồng của tỉnh trong vụ chiêm xuân năm 2024 – 2025.
Tại Hà Giang, mô hình trình diễn giống lúa TBR97 được triển khai tại xã Quang Minh, huyện Bắc Quang trong vụ mùa năm 2024 cũng chứng tỏ được những ưu điểm vượt trội, chống đổ tốt. Nhận xét về kết quả mô hình giống lúa TBR97, bà Mai Thị Giang – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và chuyển giao Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp huyện Bắc Quang cho biết, qua thời gian theo dõi thực tế trên đồng ruộng cho thấy, mặc dù cùng điều kiện canh tác và chăm sóc nhưng giống lúa thuần TBR97 thể hiện được khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt, độ đồng đều cao.
“Đặc biệt, giống lúa TBR97 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 5 ngày so với giống lúa Khang dân 18, rất phù hợp với cơ cấu giống và thời vụ ở địa phương. Giống lúa này còn có chiều cao cây thấp nên khả năng chống đổ tốt hơn các giống lúa khác rất nhiều.
Ngoài ra, giống lúa TBR97 hội tụ được các yếu tố cấu thành năng suất cao như mật độ trung bình 49 khóm/m2; số bông hữu hiệu 8 bông/khóm và tỷ lệ hạt chắc trên bông đạt đến 80,28%; năng suất ước đạt 247kg/sào, cao hơn giống lúa đối chứng Khang dân 18 là 47kg/sào.
“Linh hồn” của sản phẩm OCOP tại đất Ia Pa
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Khánh Hòa vào đầu tháng 9 năm nay, lúa TBR97 được thương lái thu mua với giá 9.300 đồng/kg (lúa khô), trong khi các giống khác trung bình khoảng 8.700 đồng/kg. Ông Nguyễn Tấn Khanh (tổ dân phố Mỹ Trạch, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) cho biết, thời gian trước ông đã trồng rất nhiều giống lúa và biết đến giống lúa TBR97 cách đây 3 năm. Vụ hè thu năm nay ông trồng 6 sào (sào 500m2) giống lúa này.
Các giống cũ năng suất trung bình chỉ đạt 3,5 tạ/sào nhưng giống này đạt trung bình 4 tạ/sào, trong khi thời gian sinh trưởng ngang nhau. Nhất là vào vụ 3 giống lúa này đạt năng suất hơn 4,2 tạ/sào. Như vậy là vừa đạt năng suất cao vừa được giá.
Ông Khanh cho biết thêm, giống lúa này cho hạt gạo trắng trong, gạo nấu cơm mềm, có vị đậm, ăn rất ngon, do đó thời gian tới gia đình sẽ nhân rộng giống lúa TBR97 ra toàn bộ diện tích.
Đặc biệt với ưu điểm sở hữu 2 gen kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn, giống lúa này chống chịu sâu bệnh tốt. Điều này khẳng định ưu thế vượt trội của giống lúa TBR97, nhất là trong điều kiện thời tiết có nhiều bất thuận.
Ông Trần Mạnh Báo chia sẻ, giống lúa TBR97 hội tủ đủ 5 yêu cầu của một giống lý tưởng mà nhà chọn tạo nào cũng muốn có, đó là thích ứng rộng, năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng gạo ngon, chống đổ tốt.
Đặc biệt, với chất lượng gạo ngon, cơm trắng, bóng, mềm, đậm vị, sản phẩm gạo từ giống lúa TBR97 của ThaiBinh Seed đã được chọn để xây dựng thương hiệu gạo cho vùng đất Ia Pa và xếp hạng OCOP 3 sao của tỉnh Gia Lai. Điều đó lý giải vì sao TBR97 có thể “xô đổ” nhiều giống lúa để đứng chân trên nhiều vùng miền khắp cả nước.
“Thậm chí, giống TBR97 đã được đưa vào Cà Mau để đánh giá khả năng chịu mặn và đạt kết quả rất khả quan. Nhiều giống lúa đối chứng không cho thu hoạch, nhưng TBR97 vẫn đạt năng suất”, ông Trần Mạnh Báo chia sẻ.
Với những đặc tính ưu việt nêu trên, có lẽ không còn xa nữa, TBR97 sẽ tiếp bước các “đàn anh, đàn chị” đình đám như BC15 và TBR225 để trở thành giống lúa chủ lực tại nhiều địa phương trên cả nước, mang lại những vụ mùa bội thu cho nông dân.
Nguồn: nongnghiep.vn