Tại Thanh Hóa: Trưa 13/9, ông Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện đang theo dõi sát sao diễn biến thời tiết cũng như tình hình lũ trên sông Bưởi, đồng thời sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu khi nước sông Bưởi dâng cao.
“Nước sông Bưởi hiện vẫn đang lên nhưng chậm, đạt xấp xỉ báo động III. Các hộ gia đình sống ven sông bị ngập lụt đã được chính quyền địa phương sơ tán lên vị trí cao, trong đó chú trọng đối tượng người già, trẻ em, người khuyết tật…”, ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay, UBND huyện Thạch Thành đã chuẩn bị phương án sơ tán hơn 900 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu khỏi vùng bị ảnh hưởng nếu nước sông Bưởi đạt trên mức báo động III. Đối với các hộ dân tại khu phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân, hiện chính quyền địa phương đã thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại tài sản của nhân dân.
Tính đến sáng ngày 13/8, do mưa lớn kéo dài, toàn huyện Thạch Thành có 262 hộ dân bị ngập, nhiều tuyến đường bị chia cắt, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Trong đó, thị trấn Kim Tân và xã Thành Trực có số hộ bị nhập nhà cửa nhiều nhất.
Tại Ninh Bình: Sáng 13/9, theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Bình, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế giảm còn 4,82m, dự báo trong 12 giờ tới sẽ biến đổi chậm theo xu thế xuống nhưng vẫn ở mức cao.
Trước đó, vào tối 12/9, mực nước tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 4,93m, trên báo động 3 là 0,93m; tại Gián Khẩu ở mức 4,53m, trên báo động 3 là 0,83m, cao hơn mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017 (4,5m); Sông Đáy tại Ninh Bình đạt đỉnh thứ nhất ở mức 4,21m, trên báo động 3 là 0,71m, cao hơn mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017 (3,94m).
Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu biến đổi chậm theo xu thế xuống nhưng vẫn ở mức cao. Mực nước trên sông Đáy tại Ninh Bình biến đổi chậm, chịu ảnh hưởng của thủy triều và dao động ở mức cao.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu biến đổi chậm theo xu thế xuống nhưng vẫn ở mức cao. Mực nước trên sông Đáy tại Ninh Bình biến đổi chậm, chịu ảnh hưởng của thủy triều và dao động ở mức cao.
Chiều 12/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có mặt tại tỉnh Ninh Bình để kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ sau bão số 3. Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực tế, Phó Thủ tướng cho rằng, nước lũ chỉ giảm mức độ nguy hiểm nhưng vẫn đang trên mức báo động 3, tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Bình đặc biệt lưu ý không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tổ chức các phương án trực sẵn sàng khi có tình huống xảy ra; huy động lực lượng tuần tra canh gác đê liên tục cho đến khi an toàn. Các cấp chính quyền huy động tối đa nguồn lực chăm lo tốt đời sống cho nhân dân, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, không để nhân dân thiếu thực phẩm, thiếu nước uống, thiếu thuốc chữa bệnh…
Nguồn: nongnghiep.vn