Một năm cảm xúc của ngành nông nghiệp
Trong lần thứ tư tham dự Hội nghị tổng kết ngành NN-PTNT, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ sự xúc động và trân trọng trước những nỗ lực không ngừng của toàn ngành trong năm 2024.
“Có nhiều sự kiện mang lại cho chúng ta niềm vui, ấn tượng sâu sắc; nhưng cũng không ít điều khiến chúng ta phải băn khoăn, trăn trở về ngành nông nghiệp”, Thủ tướng chia sẻ.
Có thể khẳng định, cả nước đã vượt qua nhiều thách thức và tháo gỡ được các khó khăn. Các mục tiêu kinh tế – xã hội do Trung ương và Quốc hội giao đều được hoàn thành. Năm 2024, chúng ta đã đạt 15/15 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội, vượt trội so với năm 2023 khi chỉ đạt 14/15 chỉ tiêu.
Đây là kết quả quan trọng, khẳng định sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và quản lý hiệu quả các khoản nợ công, nợ nước ngoài. Nhờ đó, ngân sách Nhà nước tiếp tục được đảm bảo, thu chi cân đối với mức thặng dư cao. Thị trường lao động đáp ứng tốt nhu cầu, góp phần củng cố nền tảng kinh tế – xã hội của đất nước.
Về quốc phòng – an ninh, tiềm lực được tăng cường mạnh mẽ nhờ nguồn đầu tư lớn. Trong những năm qua, ngân sách thu luôn vượt chi, với mức thặng dư trên 10 tỷ USD (tương đương 300.000 tỷ đồng). Điều này đã tạo điều kiện đầu tư cho quốc phòng – an ninh, thể hiện qua các sự kiện như Triển lãm Quốc phòng Quốc tế vừa qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại về các thế lực thù địch và tổ chức phản động luôn tìm cách làm suy yếu đất nước. “Chúng ta cần xây dựng thực lực đủ mạnh để bảo vệ độc lập, tự do. Đặc biệt, sức mạnh kinh tế sẽ là nền tảng vững chắc để giữ gìn chủ quyền lãnh thổ”.
Bên cạnh đó, vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, Việt Nam hoàn thiện mục tiêu thiên nhiên kỷ về Không còn đói nghèo trước thời hạn 2030. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, người dân Việt Nam vẫn được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
Năm 2024, Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao uy tín trên trường quốc tế. Nhiều quốc gia bày tỏ mong muốn thiết lập và nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 4 quốc gia, với Trung Quốc đã xây dựng quan hệ Cộng đồng chia sẻ tương lai, khẳng định vị thế và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Năm 2024, đất nước đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân được cải thiện đáng kể so với năm 2023, góp phần tạo dựng niềm tin và sự ủng hộ từ nhân dân trong nước cũng như sự hỗ trợ quý báu từ bạn bè quốc tế.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ NN-PTNT vì những nỗ lực và thành quả nổi bật trong năm qua. Một trong những dấu ấn tiêu biểu của ngành chính là công tác phục hồi sau bão Yagi – một thử thách lớn nhưng cũng là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm và sự chỉ đạo hiệu quả.
“Cần nhìn lại và phân tích kỹ lưỡng để đánh giá đúng đắn tinh thần chỉ đạo của ngành trong công tác ứng phó với thiên tai. Việc tham mưu, tổ chức thực hiện, và điều phối an toàn hồ đập trong thời điểm lũ lụt nghiêm trọng đã thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của lãnh đạo Bộ NN-PTNT”, Thủ tướng bày tỏ.
Điểm sáng trong phòng, chống thiên tai
Một điểm sáng trong công tác phòng chống bão Yagi là quyết định điều tiết lượng nước tại hồ Thác Bà và hồ thủy điện Hòa Bình. Các quyết định chính xác đã giúp tránh được nguy cơ phá đập, bảo vệ an toàn cho hàng triệu người dân khu vực hạ lưu. Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò tham mưu sáng suốt và năng lực điều hành hiệu quả của Bộ NN-PTNT.
Ngay sau bão Yagi, Bộ NN-PTNT đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, và các em nhỏ được tiếp tục đến trường. Đồng thời, ngành cũng khẩn trương khôi phục tình hình sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Cơn bão Yagi được xem là cơn bão lịch sử trong 70 năm qua, gây ra thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả, nhanh chóng phục hồi sản xuất và hỗ trợ đời sống nhân dân.
Trong các cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh, nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại nhất trong thiên tai. Trước tình hình đó, dự thảo Nghị quyết do Bộ NN-PTNT trình lên Trung ương và Chính phủ đã được ban hành kịp thời, đúng đắn, và phù hợp với thực tiễn, giúp giảm thiểu tổn thất và hỗ trợ phục hồi nhanh chóng.
Với tinh thần biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể, từ một thị trường bị đứt gãy, chịu nhiều khó khăn về thiên tai nhưng ngành nông nghiệp vẫn vượt lên, trở thành một biểu tượng cho phát triển kinh tế – xã hội, thể hiện qua nhiều mặt từ xuất khẩu rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
“Đây có thể coi là một tấm gương, xứng đáng để chúng ta tuyên truyền”, Thủ tướng nói.
Vấn đề chuyển đổi số ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao, góp phần đưa nền nông nghiệp tiến nhanh, tiến mạnh, đi vào kỷ nguyên kinh tế xanh, kinh tế số.
Các chương trình khác như OCOP, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Thủ tướng chỉ ra một số hạn chế. Thứ nhất, chưa phát triển ngang tầm, xứng đáng với lịch sử truyền thống văn minh, văn hóa lúa nước. Có lẽ, ngành nông nghiệp chưa phát huy hết được cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của nền nông nghiệp truyền thống.
Thứ hai, việc thực hiện quy hoạch, thể chế, chính sách phục vụ phát triể nhanh, bền vững còn hạn chế
Thứ ba, tháo gỡ “thẻ vàng” IUU chưa được thực hiện hiệu quả. Bộ NN-PTNT và 28 tỉnh, thành phố có biển cùng chịu trách nhiệm về vấn đề này, dù Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 32, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc.
Thủ tướng cho rằng, cách thực hiện có vấn đề, việc quản lý, nắm tình hình không tốt. Đây là điều không thể né tránh bởi vấn đề IUU đã tồn tại được 7 năm. Ngoài ra, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan đã khắc phục và gỡ được thẻ vàng.
Từ 3 điểm tồn tại ấy, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp nhìn thẳng vào sự thật để tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là khâu làm quy hoạch, xây dựng thể chế.
Sản xuất phải gắn liền với phát triển thương hiệu
Để phát triển nông nghiệp bền vững, Thủ tướng cho rằng phải phát triển thương hiệu. Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ về câu chuyện cà phê. Dù năng suất đứng đầu thế giới, sản lượng đứng thứ nhì thế giới (chỉ sau Brazil), nhưng các sản phẩm cà phê chế biến chưa thật nhiều.
“Tôi vừa trao đổi với lãnh đạo Brazil, người ta hỏi 2 câu, rằng sản lượng cà phê và sự ưa chuộng của người tiêu dùng với cà phê Việt Nam đang ở đâu”, Thủ tướng bày tỏ và nêu quan điểm, rằng cà phê nói riêng và nông sản nói chung cần tập trung phát triển giá trị, xây dựng thương hiệu để tìm được tổ chức trên thị trường quốc tế.
Lấy ví dụ thêm về câu chuyện quần áo. Thủ tướng nói, cùng 1 cái áo, làm với chất liệu và hoàn thiện như nhau, nhưng nếu dán nhãn Adidas, Nike, giá sẽ cao hơn khoảng 30%. Như vậy, rõ ràng câu chuyện thương hiệu là vô cùng quan trọng.
Tại Việt Nam, một số sản phẩm đã có thương hiệu, chẳng hạn như Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn, hoặc Viettel, MobiFone. Thủ tướng cho rằng, về cơ sở hạ tầng, tất cả cơ bản giống nhau, nhưng tại sao giá bán lại khác nhau. “Phải làm thương hiệu nào ra thương hiệu ấy, chẳng hạn như nói đến cà phê là nghĩ ngay đến Brazil”, ông nói và trăn trở rằng: “Bao giờ nhắc đến cà phê, tiêu, điều thì người tiêu dùng toàn cầu nghĩ tới Việt Nam?”.
Sau khi xây dựng thương hiệu, người đứng đầu Chính phủ nhắc phải xây dựng vùng nguyên liệu, tiếp thị sản phẩm ra thị trường, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì. Hội tụ được những yếu tố đấy rồi, người nông dân cần quan tâm tới việc vay vốn đầu tư tại đâu.
Dẫn một loạt ví dụ trên, Thủ tướng cho rằng để phát triển nông nghiệp, xây dựng cuộc sống cho người nông dân, cần xây dựng thể chế trong không chỉ ngành nông nghiệp, mà còn là các ngành liên quan.
“Bài học kinh nghiệm ở đây là quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công phải rõ người, rõ thời gian, rõ trách nhiệm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc”, Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh thêm, công tác phối hợp giữa các lĩnh vực trong cùng ngành nông nghiệp phải chặt chẽ, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, là sự liên kết với địa phương, trong và ngoài ngành, cũng như hợp tác quốc tế. Có như vậy mới tạo ra được sức mạnh tổng thể.
Theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp hiện không còn tự cung tự cấp nữa, mà tiến dần tới xuất khẩu. Do vậy, phải đảm bảo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hiểu chắc nắm rõ thông tin thị trường. Đây là bài học lớn cho ngành nông sản, nhất là những gì đã trải qua với ngành hàng gạo.
Trong năm 2023, giá gạo thế giới liên tục tăng. Thế giới khan hiếm gạo, nên một số quốc gia như Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu gạo. Thủ tướng cho rằng, đây là một hành động đáng suy nghĩ, bởi ngay khi gặp hoàn cảnh khó khăn, họ đã nghĩ ngay đến bạn hàng thân thiết.
Trên cơ sở đó, vào lúc cao điểm xuất khẩu gạo trong năm 2024, Thủ tướng đã liên hệ với Philippines và Indonesia – những bạn hàng nhập khẩu gạo truyền thống. Hai phía đã cùng bàn bạc và tìm được tiếng nói chung về giá, số lượng. “Khi giá tăng, tránh để hưng phấn quá mà quên mất bạn hàng”, Thủ tướng chia sẻ.
Tăng tốc bứt phá trong năm 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp, song ông vẫn muốn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo ngành đạt chỉ tiêu tăng trưởng trên 8%, phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số (từ 10% trở lên).
Thủ tướng hoan nghênh các chỉ tiêu khác trong năm 2025 do Bộ NN-PTNT đặt ra. Có thể kể đến việc Bộ trưởng Lê Minh Hoan xác định xuất khẩu đạt mức 70 tỷ USD, ít nhất 96% hộ dân nông thôn có nước sạch dùng, độ che phủ rừng đạt hơn 42%.
Một trong những kế hoạch cụ thể được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến nhiều, là “sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy”. Thủ tướng nêu nguyên tắc: “Một là, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ. Hai là, không chồng chéo”.
Thủ tướng nói, chấp nhận có sự giao thoa nhất định, song dứt khoát không được bỏ chức năng nhiệm vụ. Cán bộ phải hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu ngành nông nghiệp minh bạch, công khai, sử dụng chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí cho Chính phủ. “Không cứng nhắc, phải linh hoạt. Tôi đề nghị các cấp không phải chỉ lấy số cộng cơ học, mà phải hiệu quả. Cơ cấu lại để nâng cao chất lượng cán bộ, tăng cường cho cơ sở”.
Nói về nguồn lực, Thủ tướng khẳng định: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy. Thành công năm 2024 của ngành nông nghiệp là minh chứng. Dù gặp phải rất nhiều khó khăn, song chúng ta đã đoàn kết, cùng nhau đạt nhiều thành công khi thay đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp”.
Thủ tướng dẫn chứng thêm, năm 1987, khi công tác trong miền Nam, cuộc sống vẫn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngay sau khi đổi từ tư duy quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, đời sống người dân được cải thiện chỉ sau 1 năm với các chương trình khoán 10, giao đất cho nông dân chủ động hơn. “Tư tưởng chỉ đạo là người nông dân phải hạnh phúc ấm no hơn. Nông nghiệp tiên tiến hơn, nông thôn hiện đại hơn”.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT cùng Bộ Giao thông – Vận tải sớm xây dựng thêm các bến thủy nội địa ở ĐBSCL, phát triển hệ thống vận tải đường thủy. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh “liên kết 5 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà băng”.
Về thị trường, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp chủ động, tích cực phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản với tinh thần đa dạng hóa. “Đề nghị ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành như công thương, ngoại giao, sang thị trường Halal bởi nơi này có 2 tỷ người tiêu dùng. Chúng ta phải có thị trường đa dạng, từ đó chủ động khi các thị trường như Mỹ hay Trung Quốc gặp trục trặc”.
Quyết tâm gỡ bằng được “thẻ vàng” IUU
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2025 được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao, là cương quyết gỡ bằng được “thẻ vàng” IUU. Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ quốc phòng về vấn đề này.
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu bán tín chỉ carbon, góp phần phát triển rừng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng và dưới tán rừng; đẩy mạnh chế biến sản phẩm gỗ để nâng cao chất lượng lâm sản. Cần xác định rừng là tài nguyên, tạo ra môi trường xanh – sạch – đẹp, cần đẩy mạnh khai thác dưới tán rừng.
Theo Thủ tướng, du lịch sinh thái phải giữ được điều kiện tự nhiên của rừng mới là khác biệt; nếu san phẳng mặt rừng để làm khu du lịch thì sẽ không giữ được giá trị sinh thái. Du lịch nông nghiệp – nông thôn cũng là điểm sáng cần đẩy mạnh. Để làm được việc đó, chúng ta cần tiếp tục xây dựng nông thôn giàu mạnh.
Các địa phương cần có trách nhiệm đóng góp vào giảm đói nghèo, tham gia tích cực vào chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, trên tình thần “ai có gì góp nấy, ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, ai có công góp công, ai có của góp của”, đề cao tinh thần tương thân tương ái. Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT quán triệt tinh thần này.
Cũng không thể quên đẩy mạnh hợp tác quốc tế kết hợp đảm bảo lợi ích quốc gia, đề cao “ngoại giao nông nghiệp”. Trong đó, Thủ tướng đề xuất Bộ NN-PTNT xác định nông dân là chủ thể cho sự phát triển, nông nghiệp là động lực và nông thôn là nền tảng.
Bộ NN-PTNT cần tập trung cao độ việc chống sụt lún, sạt lở vùng ĐBSCL; chống sạt lở vùng núi phía Bắc; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tiếp tục đóng vai trò tham mưu, tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách. Cơ chế thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho các khoản đầu tư quốc tế vào ngành nông nghiệp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng cơ sở dữ liệu. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ đạo xây dựng trung tâm dữ liệu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng. Thủ tướng gợi mở, ngành nông nghiệp sẽ đóng góp thế nào vào định hướng này?
Thủ tướng đề nghị, năm 2025, toàn ngành cần tiếp tục hoàn thành các mục tiêu: tăng trưởng 3,5-4%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 70 tỷ USD, độ che phủ rừng đạt trên 42%. Ngành NN-PTNT cần hướng đến động lực mới, thành công mới, ngành nông nghiệp – nông dân – nông thôn.
“Với khí thế mới, cộng thêm nền tảng những năm qua, truyền thống lịch sử hào hùng từ nền văn minh lúa nước, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, ngành nông nghiệp năm 2025 sẽ đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao”, Thủ tướng nói, đồng thời nhắn nhủ toàn ngành tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược đã kể trên.
Nguồn: nongnghiep.vn