Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam vừa có chuyến công tác thực địa tại Hợp tác xã New Green Farm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) tìm hiểu mô hình sản xuất phân bón hữu cơ dạng bột từ rơm rạ.
Dự kiến, đây sẽ là địa điểm giới thiệu với đoàn làm việc của Ngân hàng Thế giới (WB) liên quan đến triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).
Hợp tác xã New Green Farm là một trong những đơn vị đi đầu, mở đường cho kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn quận Thốt Nốt. Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào từ rơm rạ tại địa phương, kết hợp với máy móc kỹ thuật, HTX đã thành công trong việc tạo ra phân bón hữu cơ phục vụ trồng cây ăn trái và lúa.
Thời gian qua, bà con xã viên trong HTX đã tích cực thực hiện tốt việc liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, tưới ngập – khô xen kẽ, xử lý rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Đồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm cho biết, HTX hiện đã liên kết được 101 thành viên, với vốn điều lệ 350 triệu đồng. Tuy rất muốn mở rộng quy mô, nhưng theo ông Cảnh, nhu cầu hiện nay của bà con nông dân đối với phân bón hữu cơ là ở dạng viên, dễ dàng sử dụng và giảm được chi phí công lao động. Thế nhưng sản phẩm của HTX lại chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm còn chậm, lợi nhuận thấp, dẫn đến HTX thiếu nguồn vốn để tiếp tục đầu tư máy móc đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân.
Trước khó khăn này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam ghi nhận và chỉ đạo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ đầu tư cho HTX máy nén phân bón hữu cơ thành dạng viên.
Thứ trưởng Nam đánh giá, chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Đối với bà con nông dân, khả năng tiếp cận mua phân bón hữu cơ từ các nhà máy lớn rất khó. Do đó, sản phẩm của HTX New Green Farm có nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, để đầu ra thuận lợi, Thứ trưởng Nam định hướng HTX cần ký kết, liên doanh với một số HTX lân cận khác để mở rộng thị trường và quy mô sản xuất.
Đối với vấn đề tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao – Dự án chi trả tín chỉ cacbon đầu tiên trên thế giới cho ngành hàng lúa gạo, Thứ trưởng Nam mong muốn HTX sẽ có cách nghĩ, cách làm khác, không chỉ hướng tới mục tiêu tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập mà quan trọng hơn là đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình canh tác chất lượng. Trong đó chú trọng các yếu tố về quản lý nước, xử lý rơm rạ và tiết kiệm nguyên liệu đầu vào theo đúng quy chuẩn để tiến tới xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải, tạo giá trị tăng thêm cho hạt gạo.
“Sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với WB để bàn về kế hoạch MRV. Đây là hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở cấp quốc gia. Dựa vào đó, cơ quan chuyên môn sẽ xác định được mức giảm phát thải khí nhà kính của biện pháp canh tác giảm phát thải so với canh tác truyền thống. Khi đạt được tín chỉ carbon, giá gạo sẽ tăng lên. Bộ NN-PTNT sẽ nỗ lực đàm phán để đem lại quyền lợi tốt nhất cho bà con nông dân”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ.
Theo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NN-PTNT, mục tiêu đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000ha.
Tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, lượng lúa giống gieo sạ đảm bảo từ 80 – 100kg/ha; giảm 20% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với phương pháp canh tác truyền thống. Nhất là 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như “1 phải 5 giảm”, tưới ngập – khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Nguồn: nongnghiep.vn