Để hiểu rõ hơn về tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức trong xuất khẩu vacxin ASF của Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, doanh nghiệp vừa xuất khẩu 150.000 liều vacxin ASF do AVAC sản xuất trong tổng số 600.000 liều mà Philippines đã đặt hàng.
Ông có thể cho biết công suất sản xuất vacxin ASF hiện nay của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam?
Hiện, công suất sản xuất vacxin ASF của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam đạt 2 – 5 triệu liều/tháng. Công suất này đủ để cung cấp cho thị trường Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay tổng đàn lợn của Việt Nam dao động mỗi năm khoảng hơn 40 triệu con. Tuy nhiên, lượng tiêm phòng vacxin ASF chưa đến 5%, do đó kỳ vọng việc tiêm vacxin ASF sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Hiện, giá vacxin ASF của Công ty AVAC Việt Nam là 61.000 – 69.000/liều, tùy vào dung tích. Mức giá này vẫn còn khá cao, tuy nhiên sau một thời gian vacxin được thương mại và có sự thu hồi vốn so với chi phí nghiên cứu, chúng tôi sẽ tiếp tục có lộ trình giảm giá phù hợp đối với người chăn nuôi.
Vừa qua, AVAC Việt Nam đã xuất khẩu 150.000 liều vacxin ASF sang thị trường Philippines, điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu vacxin ASF do AVAC sản xuất được phép lưu hành tại một quốc gia thứ 2, ngoài Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, trước khi nhập khẩu vacxin ASF, đối tác Philippines đã có chuyến thăm Nhà máy AVAC tại Việt Nam nhằm mục đích kiểm tra việc chuẩn bị lô hàng 150.000 liều nằm trong tổng số 600.000 liều mà Bộ Nông nghiệp Philippines đã đặt hàng AVAC.
Sau khi thành công và có những kết quả cơ bản tích cực từ việc sử dụng 600.000 liều này, dự kiến Chính phủ Philippines sẽ có những đơn hàng lớn hơn nữa với AVAC Việt Nam.
Hơn nữa, thông qua đơn hàng xuất khẩu lần này đã khẳng định, vacxin ASF của AVAC an toàn, hiệu quả và là một công cụ tích cực trong việc kiểm soát ASF đối với những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh này gây ra. Rất nhiều nước khác theo đó cũng sẽ nhìn vào kết quả tại thị trường Philippines để có căn cứ nhập khẩu vacxin về sử dụng cho quốc gia mình.
Thưa ông, hiện nay ngoài Philippines có những quốc gia nào đã đặt hàng nhập khẩu vacxin ASF của AVAC và ông nhìn nhận cơ hội ra sao tại những thị trường này?
Gần đây, Nigeria đã nhập khẩu 5.000 liều để đánh giá và họ đã tiêm cho hơn 950 lợn, kết quả thử nghiệm cho đến nay đều rất tốt. Bên cạnh đó, các quốc gia khác như: Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Nepal, Myanmar… cũng đang tiến hành đăng ký lưu hành.
Tiềm năng thương mại vacxin ASF ở các thị trường này rất lớn, bởi vì những nước này có quy mô chăn nuôi khá tương đồng với Việt Nam, thậm chí có thể còn kém hơn. Vacxin này rất phù hợp với chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ khi không đủ điều kiện để thực hiện tốt được các giải pháp an toàn sinh học như những công ty, tập đoàn chăn nuôi lớn.
Ông đánh giá như thế nào về những lợi thế và thách thức của Việt Nam trong việc xuất khẩu vacxin ASF ra thị trường nước ngoài?
Trước hết nói về thuận lợi, Việt Nam là quốc gia tích cực trong việc nghiên cứu, sản xuất vacxin ASF. Chính phủ Việt Nam rất mạnh dạn, phải nói là rất dũng cảm trong việc quyết liệt đánh giá và cho phép lưu hành vacxin này, vì vacxin là một công cụ hiệu quả cho kiểm soát dịch bệnh.
Với những thành công tại Việt Nam thì những nước khác có thể học hỏi thực tế từ Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ có những sản phẩm chiến lược, những sản phẩm mũi nhọn để xuất khẩu đưa ra nước ngoài. Đây sẽ là cơ hội cho những sản phẩm tiếp theo sau vacxin ASF.
Còn về khó khăn, thách thức, hiện nay một số quốc gia khác đã tiến hành nộp hồ sơ và xin phép đăng ký vacxin ASF, tuy nhiên một trong những rào cản lớn lớn nhất là Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) chưa có tiêu chuẩn về vacxin ASF. Do đó, nhiều quốc gia đang loay hoay trong việc xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá vacxin này trước khi cho phép lưu hành tại nước mình.
Những doanh nghiệp như AVAC Việt Nam cần sự hỗ trợ gì để đẩy mạnh xuất khẩu vacxin ASF trong thời gian tới?
Tôi nghĩ giải pháp tốt nhất để thuyết phục các công ty hoặc các thị trường trên thế giới, đó là bản thân doanh nghiệp cũng như nhà quản lý phải đưa vacxin ASF sử dụng một cách phổ biến hơn nữa. Việc giám sát sau lưu hành cũng cần phải thực hiện đầy đủ hơn nữa.
Đồng thời, cần minh bạch, công khai thông tin để các quốc gia khác sẽ có những bài học từ Việt Nam hay từ Philippines, từ đó giúp họ tự tin hơn. Hy vọng vào tháng 5/2025, WOAH sau khi đã đánh giá kỹ càng sẽ có thể đưa ra tiêu chuẩn đối với vacxin ASF. Như vậy các nước sẽ có hướng dẫn để xây dựng quy trình đánh giá của riêng họ.
Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch của AVAC Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả của vacxin ASF trong thời gian tới?
Để có thêm cơ sở sử dụng vacxin ASF đối với các thị trường mới, bản chất AVAC Việt Nam cũng phải hoàn thiện sản phẩm liên tục. Chúng tôi hoàn thiện sản phẩm bằng cách tích hợp nhiều giải pháp trong một lọ vacxin, đó là có thể đưa vacxin này sử dụng được cho lợn nái và lợn giống, sử dụng cho lợn nhỏ hơn.
Đến nay chúng tôi cũng đã hoàn thiện quy trình và chứng minh được vacxin này an toàn cho cả lợn nái và lợn đực giống. Chúng tôi đã gửi hồ sơ đăng ký mở rộng đối tượng sử dụng cho lợn giống và xin phép bổ sung đối tượng này vào quy trình sử dụng cho lợn tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Điều này sẽ giúp cho vacxin ASF có phổ rộng hơn và người chăn nuôi có thêm nhiều giải pháp.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ sở, doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn hoặc là những nước đã nhập vacxin ASF, chẳng hạn như Philippines để thu thập thêm dữ liệu, từ đó có những dữ liệu báo cáo và chia sẻ với WOAH cũng như cơ quan thú y của nhiều quốc gia khác đang đăng ký lưu hành để họ có thêm tự tin.
Tất nhiên những quốc gia này họ sẽ phải thử nghiệm trước, đánh giá vacxin an toàn thì mới cho phép lưu hành nhập khẩu. Dữ liệu từ Việt Nam hoặc từ những quốc gia khác chỉ mang tính tham khảo, còn cơ bản họ sẽ phải có những tiêu chuẩn đánh giá riêng thì mới dám đưa lưu hành ở thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: nongnghiep.vn