
Bến Tre là địa phương có vùng nguyên liệu dừa và sản lượng dừa lớn nhất cả nước. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Ưu đãi tín dụng cho nông dân, doanh nghiệp
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất dừa, với diện tích trồng dừa trải dài qua 25 tỉnh, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.
Năm 2024, ngành dừa Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc với tổng diện tích trồng hơn 200.000ha, đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích và sản lượng. Kim ngạch xuất khẩu ngành dừa đạt 1,089 tỷ USD, tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc dân.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, Ban chấp hành Hiệp hội Dừa Việt Nam đã triển khai kế hoạch “Xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu dừa” nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng cao cho các nhà máy sản xuất trong nước.
“Kế hoạch này không chỉ góp phần gia tăng giá trị ngành dừa mà còn hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã trong việc duy trì sinh kế bền vững”, đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam cho hay.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của kế hoạch là việc triển khai các dịch vụ tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt và tín dụng ưu đãi cho các cơ sở thu mua, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong ngành dừa.
Đặc biệt, kế hoạch này sẽ được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng) trong 6 tháng đầu năm 2025. Dự kiến sẽ có khoảng 2.500 hộ dân và 13 hợp tác xã, cơ sở thu mua, gia công tham gia. Sau đó, các kết quả sẽ được đánh giá để điều chỉnh và nhân rộng ra toàn quốc, đồng thời có thể áp dụng cho các ngành khác trong tương lai.
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, mục tiêu của kế hoạch “Xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu dừa” không chỉ ổn định nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, mà còn giúp khai thác tiềm năng từ các làng nghề và tổ hợp tác, tạo cầu nối cung cấp nguyên liệu thô và nguyên liệu sơ chế ổn định cho các nhà máy sản xuất. Điều này sẽ hạn chế tình trạng xuất khẩu dừa thô, giá trị thấp, từ đó thúc đẩy chế biến sâu và tăng trưởng bền vững cho ngành dừa Việt Nam.

Dừa Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Bên cạnh đó, thông qua các quỹ chăm sóc nông nghiệp và các hỗ trợ tài chính khác, ngành dừa sẽ giúp ổn định sinh kế lâu dài cho người dân trồng dừa. Điều này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa”, đảm bảo lợi ích cho cả người trồng dừa và doanh nghiệp.
Các dịch vụ tài chính cho ngành dừa
Tín dụng tín chấp: Cung cấp các gói tín dụng cho nông dân trồng dừa dựa trên sản lượng, doanh thu và lịch sử thu hoạch, giúp họ có nguồn vốn để duy trì và phát triển sản xuất.
Dịch vụ ứng trước tiền bán hàng: Cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán hàng cho các cơ sở thu mua và hợp tác xã, đảm bảo nguồn lực cho họ trong việc cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến.
Tín dụng đầu tư cơ sở hạ tầng: Hỗ trợ tín dụng cho các cơ sở thu mua, lột vỏ dừa, cũng như các hoạt động mở rộng vùng thu mua nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất.
Tín dụng cho các doanh nghiệp gia công: Cung cấp dịch vụ tín dụng ưu đãi cho các cơ sở gia công, cung cấp nguyên liệu sơ chế, giúp các doanh nghiệp có đủ nguồn lực để tăng cường chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao.
Dịch vụ bảo lãnh thanh toán: Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng nguyên liệu, đảm bảo tính ổn định và an toàn cho các giao dịch tài chính trong ngành.
“Với sự triển khai đồng bộ của các dịch vụ tài chính, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo dựng một chuỗi cung ứng nguyên liệu dừa hoàn chỉnh, bền vững, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng từ việc chế biến sâu, phát triển mạnh mẽ ngành dừa trong những năm tới”, đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam nói.
Nguồn: nongnghiep.vn