Quyết định được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 24/1. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp.
Đồng thời, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đề án được chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, từ nay đến trước tháng 6/2025, từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon.
Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon. Nâng cao năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon.
Giai đoạn 2, từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028, Chính phủ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon. Cùng với đó, vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon của cơ quan quản lý nhà nước; năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu khi thị trường carbon chính thức vận hành.
Từ năm 2029, sàn giao dịch carbon trong nước sẽ chính thức vận hành. Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật, cơ sở hạ tầng cho thị trường carbon; tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Theo đề án, hàng hóa trên thị trường carbon gồm 2 loại: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính, được phân bổ cho các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng ban hành theo phương thức miễn phí và phương thức đấu giá.
Loại thứ hai là tín chỉ carbon được xác nhận giao dịch trên thị trường, gồm: Tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước theo quy định của pháp luật; Tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế như Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức vận hành thị trường carbon trong nước, đảm bảo không để phát triển tự do, tự phát, gây thất thoát tài nguyên, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.
Nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với thị trường carbon của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Quyết định 232/QĐ-TTg cũng chỉ rõ, trong trường hợp các bộ, ngành, cơ quan được nêu tại đề án được sáp nhập, hợp nhất hoặc kết thúc hoạt động thì các bộ, ngành, cơ quan tiếp nhận nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan đó sẽ thực hiện tiếp nhiệm vụ được giao.
Nguồn: nongnghiep.vn