Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại thảm khốc ở nhiều tỉnh thành miền Bắc nước ta. Yên Bái là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với số người chết lên đến 54 người, trong đó 51 người thiệt mạng do sạt lở đất. Có gần 2.900 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở taluy, 346 nhà bị sập đổ hoàn toàn, nhiều diện tích đất nông nghiệp, công trình giao thông, thủy lợi… bị sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng.
Nguyên nhân chính của thảm họa sạt lở đất diễn ra ở nhiều địa phương do mưa lũ lớn kéo dài trong nhiều ngày, đất ngấm no nước, thiếu kết dính.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân do tác động từ chính con người như việc san gạt đồi núi xây dựng công trình, nhà ở… Thảm thực vật bị hủy hoại do cháy rừng hoặc hạn hán, khai thác rừng bừa bãi, tạo nên đồi trọc. Nhiều loại cây trồng được canh tác với chu kỳ ngắn, việc canh tác của người dân quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ có nguồn gốc hóa học nhằm giảm công lao động đã phá hủy lớp thảm cỏ bề mặt, làm gia tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất mỗi khi có mưa lớn.
Hiện nay, nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc nói riêng và trên cả nước nói chung đã thiếu đi những “chiến lũy xanh” bảo vệ đất đai, nương rẫy, bảo vệ cuộc sống của con người. Việc canh tác thiếu bền vững trên đất dốc không chỉ khiến đất đai ngày càng nghèo kiệt, năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng ngày càng sụt giảm mà còn gây ra những hệ lụy về môi trường sinh thái, đặc biệt là nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ngày càng thảm khốc.
Ông Nguyễn Tử Hải, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Cây công nghiệp – Cây ăn quả (Cục Trồng trọt) nhận định, thời gian qua một số địa phương miền núi phía Bắc đã dần có sự dịch chuyển trồng các cây lương thực ngắn ngày như ngô, sắn lúa sang trồng các loại cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay các loại cây lương thực ngắn ngày như ngô, sắn vẫn là cây trồng chủ lực của bà con vùng cao. Bên cạnh đó, với việc canh tác thiếu bền vững, thiếu khoa học trên đất đồi dốc đã tác động tiêu cực tới môi trường, đây chính là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến lũ quét, sạt lở đất mỗi khi mùa mưa lũ về.
Theo ông Hải, đất nông nghiệp ở các tỉnh miền núi phía Bắc có 2,3 triệu ha, chiếm khoảng 28% diện tích tự nhiên, còn lại 5,7 triệu ha (trên 70%) là đất rừng, bao gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các loại đất khác. Trong sản xuất nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm chiếm chủ yếu với khoảng 1,7 triệu ha, còn lại là đất trồng cây lâu năm và cây ăn quả với chỉ khoảng 500.000ha.
Nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất không hẳn chỉ riêng bởi trồng cây ngắn ngày, bà con chưa chú trọng áp dụng các giải pháp canh tác bền vững mà còn do những nguyên nhân khác như đất có độ dốc lớn, rừng chủ yếu là rừng sản xuất nên mặc dù độ che phủ rừng rất cao nhưng không bảo vệ được đất đai. Những loại rừng này tầng tán ít, cộng với việc canh tác các loại cây ngắn ngày nên ít có tác dụng trong việc giữ nước, giữ đất và chống xói mòn.
Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, mưa nắng, hạn hán cực đoan dẫn đến các thảm họa về lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa lũ.
Thực tế có thể thấy việc lựa chọn loại cây trồng cũng chưa hẳn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xói mòn, sạt lở đất trong mùa mưa lũ, những vấn về kỹ thuật canh tác bền vững trên vùng đất dốc cũng tác động không nhỏ tới thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc cho biết, để vừa trồng trọt bền vững, hiệu quả trên đất dốc, vừa có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường, chống xói mòn, rửa trôi, hạn chế nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, các địa phương và ngành chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, hướng tới bảo vệ ruộng đất.
Trong đó có thể tính tới các biện pháp như che phủ, làm đất tối thiểu, trồng xen canh xen cây đậu đỗ, cây dược liệu, cây ngắn ngày dưới tán cây dài ngày hoặc có thể tính tới tạo các băng chắn. Có thể để băng cỏ chăn nuôi tạo thành băng chắn chống xói mòn.
Ngoài ra, đất có độ dốc lớn có thể áp dụng biện pháp tiểu bậc thang, đây là biện pháp tạo mặt bằng trên đất dốc. Biện pháp kỹ thuật này có thể áp dụng một cách đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau. Có thể áp dụng biện pháp che phủ kết hợp với làm đất tối thiểu và kết hợp với làm băng chắn hoặc tiểu bậc thang. Như vậy sẽ giúp đất ổn định hơn, hạn chế xói mòn, rửa trôi bề mặt, tăng dinh dưỡng giúp cây trồng sinh trưởng phát triển ổn định hơn. Kỹ thuật canh tác này có thể áp dụng cho hầu hết các loại cây trồng, trong đó áp dụng tốt đối với cây trồng ngắn ngày, cây trồng hàng năm…
Nguồn: nongnghiep.vn