Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Hợp tác xã Ca cao Châu Đức (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là người đã gắn bó với cây ca cao từ 20 năm qua và đã trải qua không ít thăng trầm, buồn vui cùng cây trồng này.
Ông Đức cho biết, cây ca cao bắt đầu được trồng ở huyện Châu Đức từ năm 2004 thông qua một chương trình hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp Hà Lan và Bộ NN-PTNT Việt Nam. Khi dự án được triển khai, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã tiến hành đào tạo, tập huấn cho người dân trồng cây ca cao.
Tại huyện Châu Đức, có 54 người được đào tạo thành tập huấn viên ca cao. Sau đó, mỗi tập huấn viên quản lý một câu lạc bộ nông dân gồm 40 hội viên và tiến hành tập huấn cho nông dân cách trồng ca cao. Dự án còn hỗ trợ cây ca cao giống cho những hộ nông dân tham gia với 130 cây cho mỗi hộ.
Nông dân được hướng dẫn trồng xen cây ca cao dưới tán cây điều, tán cây ăn trái… Do chưa có kinh nghiệm với cây ca cao nên sau khi trồng xen, nông dân thường chăm sóc cây ca cao theo cách chăm sóc loại cây đã trồng trước đó trong vườn. Chẳng hạn chăm sóc cây điều như thế nào thì chăm sóc cây ca cao cũng như vậy. Vì không được chăm sóc đúng cách, nhiều cây ca cao bị ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất, khiến cho sau đó nông dân phải chặt bỏ bớt.
Dù vậy, cây ca cao vẫn nhanh chóng “bén rễ” và trở thành cây hàng hóa trên đất Châu Đức. Trong 20 năm qua, trải qua nhiều thăng trầm, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở huyện này và được coi là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn. Theo ông Đức, cây ca cao không kén đất, đất phù sa, đất sét, đất cát pha sét, đất bazan… đều trồng được. Khí hậu ở Châu Đức lại rất phù hợp cho sự sinh trưởng của ca cao.
Đặc biệt, thời gian gần đây, giá ca cao ở mức cao nên nông dân trồng ca cao ở Châu Đức rất phấn khởi. Nếu như trước năm 2010, giá ca cao chỉ ở mức 33.000 – 34.000 đồng/kg hạt khô thì hiện nay đã vào khoảng 190.000 đồng/kg hạt khô. Với giá này, nhiều nông dân Châu Đức đang mở rộng diện tích trồng cây ca cao.
Bà Nguyễn Thị Chim Lang, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Vũng Tàu (Bariachocolate) xác nhận, từ năm 2010 trở về trước, giá ca cao khá thấp, chỉ ngoài 30.000 đồng/kg hạt khô. Đến năm 2013, giá ca cao tăng lên ở mức 40.000 đồng/kg và hiện nay, do giá ca cao trên thế giới tăng cao, giá ca cao ở Việt Nam cũng đang ở mức cao.
Bà Chim Lang nhận định, trên thị trường thế giới, nhu cầu sử dụng ca cao ngày càng tăng. Ở Việt Nam, dù ca cao chưa được sử dụng phổ biến như ở nhiều nước nhưng nhu cầu cũng đang tăng lên theo đà tăng trưởng của nền kinh tế cũng như thu nhập của người dân.
Trong khi đó, do biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi, diện tích ca cao ở nhiều quốc gia bị mất mùa do hạn hán hoặc ngập lụt khiến cho giá ca cao vẫn tiếp tục tăng.
Chính vì vậy, cây ca cao ở Châu Đức nói riêng và Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung đang có những cơ hội nhất định để phát triển khi thổ nhưỡng, khí hậu đều phù hợp và đã có một quy trình đầy đủ từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đến sơ chế, chế biến.
Nguồn: nongnghiep.vn