Trong 2 ngày 17 – 18/10, Cục Thú y, Viện Thú y và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) phối hợp đồng tổ chức hội thảo “Từ nghiên cứu đến chính sách: Cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam”. Tại đây, các nhà khoa học đã trao đổi nhiều thông tin liên quan đến nghiên cứu, phân tích về dịch tả lợn Châu Phi và tác động của dịch bệnh này đối với ngành chăn nuôi Việt Nam.
Ông Đào Duy Tùng, công tác tại Bộ môn Virus, Viện Thú y Việt Nam cho biết, Viện đã phối hợp với Viện Thú y Hàn Quốc để nghiên cứu về dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó gồm phân tích biểu hiện gen của virus dịch tả lợn Châu Phi sau khi gây nhiễm thực nghiệm ở lợn tại Việt Nam; Nghiên cứu lâm sàng, huyết học và dịch tễ học về virus dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam – ASFV.
Bên cạnh đó là các hoạt động phân tích mô hình lây lan virus dịch tả lợn Châu Phi và phản ứng miễn dịch đối với nhiễm virus lợn và xác định con đường lây truyền dịch tả lợn Châu Phi, trong đó tập trung vào các yếu tố rủi ro môi trường.
Mục đích của các nghiên cứu này là để xác định đặc tính các dấu hiệu lâm sàng của lợn bị nhiễm ASFV bằng nghiên cứu các dấu hiệu lâm sàng và đặc điểm huyết học và xác định tỷ lệ sống sót và thay đổi nhiệt độ của lợn bị nhiễm theo DPI.
Các nghiên cứu này cũng nhằm tìm ra phương pháp phát hiện sớm lợn bị nhiễm ASFV bằng cách chọn mẫu để phát hiện sớm nhiễm ASFV để đưa ra cách phát hiện sớm mà người chăn nuôi lợn có thể dễ dàng thực hiện.
Một mục đích nữa của các nghiên cứu là tìm mẫu chẩn đoán dịch tả lợn Châu Phi thay thế trên lợn chết mà không cần khám nghiệm lợn chết, qua đó giảm thiểu lây lan ASFV trong các trang trại chăn nuôi lợn qua khám nghiệm tử thi lợn bị nhiễm bệnh.
Những kết quả sơ bộ cho thấy, đường miệng và mũi rất quan trọng đối với sự lây truyền ASFV trong các đàn và các mẫu dịch miệng được thu thập bằng phương pháp dùng dây thừng cho lợn cắn rất hữu ích để phát hiện ASFV.
Ngoài ra, ASFV có thể được phát hiện trong một số mẫu môi trường (ví dụ khí dung, thức ăn và nước), các mẫu này có thể là các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với sự lây truyền ASFV giữa các con lợn.
Trong phân tích bệnh lý sinh học của lợn tiếp xúc với virus dịch tả lợn Châu Phi và ước tính hệ số sinh sản cơ bản của virus tại Việt Nam, ông Đào Duy Tùng cho biết, thời điểm vàng để ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan là 4 ngày kể từ khi phát hiện ra con vật chết đầu tiên cho đến khi virus phát tán từ con vật chung sống.
Một thông tin nữa mà ông Đào Duy Tùng cung cấp là một con lợn bị nhiễm bệnh sẽ gây ra nhiễm trùng thứ cấp cho khoảng 3 – 4 con lợn.
Những kết quả nghiên cứu này là nguồn tài nguyên cơ bản để nghiên cứu cơ chế sinh bệnh của ASFV và phản ứng miễn dịch của vật chủ nhằm xác định mục tiêu vacxin và phát triển các chiến lược kháng virus thay thế.
Trong khi đó, tại Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương thuộc Cục Thú y, các nhà khoa học đã tổ chức giải trình tự gen ASFV năm 2024 và thử nghiệm độc lực ASFV giữa các năm 2019 và 2024.
Kết quả giải trình tự gen cho thấy, đang có ít nhất 2 chủng ASF lưu hành trên thực địa từ năm 2023. Cụ thể, thứ nhất là chủng virus có cả 2 gen B646L và E183L cùng thuộc Genotype II, tương tự chủng virus xâm nhập năm 2019 (Georgia07-like).
Thứ 2 là chủng virus tái tổ hợp có gen B646L thuộc Genotype I và gen E183L thuộc Genotype II, tương tự các chủng của Trung Quốc năm 2021 – 2022 (Chinese NH/P68-like). Cả 2 chủng virus phân bố đan xen, cùng gây bệnh ở khu vực phía Bắc.
Trong khi đó, kết quả phân tích độc lực cho thấy, các chủng ASFV thực địa năm 2024 có độc lực cao đối với lợn, tương tự chủng virus năm 2019.
Lợn được gây nhiễm chủng dịch tả lợn Châu Phi tái tổ hợp genotype I+II (2024) chết 100% trong vòng 5 – 6 ngày; lợn được gây nhiễm chủng genotype II (2024) chết 100% từ 4 – 10 ngày; lợn được gây nhiễm chủng genotype II (2019) chết 100% từ 4 – 11 ngày.
Lợn nhiễm các chủng thực địa 2024 có biểu hiện lâm sàng và bệnh tích tương tự chủng virus năm 2019 và bệnh tích nặng nề nhất ở hệ thống hạch lâm ba, phổi và lách.
Lợn thí nghiệm nhiễm các chủng thực địa có tải lượng virus cao trong máu và phủ tạng, đồng thời cũng bài thải virus qua nước dãi, lợn thí nghiệm xuất hiện kháng thể dịch thể trong máu tại thời điểm 10 ngày sau gây nhiễm.
Nguồn: nongnghiep.vn