Ngày 29/8, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Thách thức và giải pháp thu hút người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài trong ngành nông nghiệp quay trở về địa phương làm việc và khởi nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Hội thảo hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận, chia sẻ những ý tưởng và kinh nghiệm, nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực nhất. Ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, và người lao động sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách thu hút và hỗ trợ người lao động Việt Nam trở về nước khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng theo PGS.TS Vũ Ngọc Huyên, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bên cạnh việc đào tạo nâng cao trình độ lao động còn là biện pháp giải quyết vấn đề an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh này, chương trình đưa lao động nông nghiệp và thành viên hợp tác xã nông nghiệp đi làm việc và học tập ở các nước nông nghiệp phát triển, theo Nghị quyết số 26/NQ-CP, là một giải pháp đột phá trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp và nông thôn. Lao động Việt Nam, đặc biệt là những người đã có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, là nguồn lực quý báu để hiện thực hóa các mục tiêu này.
Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm có khoảng 120.000 – 143.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, với lượng kiều hối đạt từ 3,5 đến 4 tỷ USD mỗi năm, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế – xã hội.
“Tuy nhiên, số lượng lao động quay về nước hàng năm chỉ khoảng 70.000 – 80.000 người, và không phải ai cũng có ý định hoặc điều kiện để khởi nghiệp tại quê nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những thách thức này đòi hỏi chúng ta phải tìm ra các giải pháp hiệu quả để thu hút và hỗ trợ người lao động quay về nước, giúp họ có thể khởi nghiệp và đóng góp vào sự phát triển của quê hương”, PGS.TS Vũ Ngọc Huyên chia sẻ.
PGS.TS Vũ Ngọc Huyên cho biết thêm, sau thành công bước đầu của Phi dự án Cố vấn phát triển nguồn nhân lực cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam do JICA hỗ trợ, Học viện được Bộ NN-PTNT giao phối hợp cùng Cục Kinh tế và PTNT xây dựng Chương trình đưa lao động nông nghiệp, thành viên hợp tác xã đi làm việc và học tập tại các nước phát trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An chia sẻ, công tác quản lý người lao động sau khi về nước nói chung, nhất là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức. Công tác nắm tình hình, tham mưu, kiến nghị và phối hợp triển khai chủ trương, chính sách chưa sâu sát, chặt chẽ và kịp thời; chưa khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của người lao động sau khi về nước kịp thời, hiệu quả.
Theo đó, một số giải pháp được đưa ra là, đối với người lao động hoàn thành hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích như: hỗ trợ kiến thức, tay nghề để người lao động tự tạo việc làm, hoặc được giới thiệu việc làm (kể cả việc đào tạo lại theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp); tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động sử dụng hiệu quả đồng vốn tích lũy được sau khi làm việc ở nước ngoài (thông qua chính sách khuyến khích đầu tư, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất).
Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã kết hợp giữa tạo việc làm nước ngoài và trong nước; giới thiệu việc làm cho các lao động hoàn thành hợp đồng về nước, hoặc làm cầu nối giữa chủ sử dụng nước ngoài và chủ sử dụng trong nước; khuyến khích việc đưa lao động đến làm việc tại các Công ty mẹ – Công ty trong cùng hệ thống liên quan đến nông nghiệp sach.
Cùng đó, tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho cho người lao động sau khi về nước hiểu về tinh thần khởi nghiệp, làm thông tư tưởng cho người khởi nghiệp là dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận thất bại, quen với sự thay đổi từ môi trường bên ngoài.
Chia sẻ các mô hình phù hợp cho người lao động quay trở về địa phương làm việc và khởi nghiệp là trường hợp anh Nguyên Văn Quang, xóm Đại Lộc, xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (51 tuổi, Nghệ An) khởi nghiệp thành công với mô hình trồng nấm bào ngư, từng bước đưa sản phẩm ra thị trường, thu lãi trên nửa tỷ đồng mỗi năm.
May mắn, khi ở Hàn Quốc, anh Quang được bố trí làm việc trong công xưởng trồng nấm. Nhờ đó, anh học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, từ kỹ thuật, quy trình làm phôi nấm, phối trộn dinh dưỡng… đến cách chăm sóc. Sau 10 năm đi xuất khẩu lao động, trở về, anh Quang bắt tay gây dựng lại và dần hình thành quy trình trồng nấm bào ngư công nghệ cao trong phòng kín.
Anh mạnh dạn đầu tư mở trang trại trồng nấm với diện tích hơn 1.500 m2. Khi mô hình trồng nấm bào ngư mang lại nguồn thu ổn định, anh Quang đầu tư nghiên cứu trồng thêm 2 loại nấm mới là nấm tai mèo và nấm linh chi. Từ 30.000 đồng/kg, nấm tai mèo từ 120.000 đồng/kg, nấm linh chi 800.000-1.200.000 đồng/kg tùy loại. Năm vừa qua, trang trại cung cấp ra thị trường hơn 20 tấn nấm thương phẩm, trừ chi phí phôi, giống, trả lương cho công nhân,… anh Quang lãi trên 500 triệu đồng.
Thời gian tới, anh Quang sẽ mở rộng cơ sở trồng nấm thêm 500m2, trồng theo quy trình mới giúp rút ngắn thời gian, tăng sản lượng. Đặc biệt, cơ sở đang tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương, mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh Quang còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm để người dân học tập mô hình, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nguồn: nongnghiep.vn