Với sự siêng năng và nghị lực của một người lính Cụ Hồ được rèn luyện trong quân ngũ, anh Đỗ Ngọc Hiệu – 34 tuổi ở thôn Gia Lạc, xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) đã khai thác tối đa lợi thế sẵn có của gia đình và địa phương để xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp và cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh hoạt động có hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho gia đình và một số lao động tại địa phương.
Năm 2012, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Hiệu làm nhiều công việc khác nhau nhưng với ước mơ và khát vọng làm giàu, anh luôn tìm tòi, học hỏi các mô hình làm ăn có hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình.
Sau thời gian nghiên cứu, năm 2015, anh quyết định tận dụng điều kiện đất đai của gia đình và địa hình đồi núi ở địa phương để chăn nuôi dê. Ban đầu, anh đầu tư làm chuồng trại mua 26 con dê giống về thả nuôi. Nhờ tích cực chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh định kỳ và nguồn thức ăn dồi dào nên đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt và chỉ sau 1 năm nuôi anh đã có dê bán, thu hồi được vốn đầu tư ban đầu. Từ đó, anh tiếp tục đầu tư nhân rộng đàn.
Theo anh Hiệu, dê con sau 9 tháng nuôi đạt trọng lượng khoảng 30kg/con và có thể bán thịt (giá khoảng 130 ngàn đồng/kg) hoặc bán giống (150 ngàn đồng/kg). Bình quân đàn dê của anh duy trì khoảng 140 con, mỗi năm xuất bán 2 lứa (10 – 12 con/lứa) với giá từ 4 – 5 triệu đồng/con, doanh thu khoảng 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, anh thu lãi hơn 50 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, anh còn tự nhân giống thả nuôi thêm gà và vịt bán thịt. Mỗi lứa anh nuôi 150 con gà và 200 con vịt xiêm. Nhờ lựa chọn con giống kỹ, nguồn thức ăn dồi dào từ phụ phẩm nông nghiệp, thực hiện vệ sinh chuồng trại và phòng ngừa dịch bệnh định kỳ nên đàn gà, vịt phát triển tốt, ít dịch bệnh. Mỗi lứa gà sau 8 tháng nuôi đạt trọng lượng khoảng 2,6kg/con, với giá bán từ 110 – 130 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 20 triệu đồng/lứa (tương đương khoảng 30 triệu đồng/năm).
Mỗi lứa vịt sau 3 tháng nuôi đạt trọng lượng 3,5 – 4,5kg/con, giá bán 60 ngàn đồng/kg, thu lãi khoảng 5 triệu đồng/lứa (tương đương khoảng 20 triệu đồng/năm). Như vậy, mỗi năm anh thu lãi từ chăn nuôi dê và gà, vịt khoảng 100 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ dùng cho cây trồng ngày càng tăng, trong khi nguồn phân chuồng từ chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp ở địa phương khá dồi dào nên từ năm 2019, anh Hiệu sản xuất thêm phân bón hữu cơ vi sinh. Ban đầu, từ nguồn phân chuồng chăn nuôi sẵn có, anh thu mua thêm một số phụ phẩm nông nông nghiệp như vỏ trấu, vỏ – dây đậu, xác đậu, mùn cưa, vỏ dừa và các loại thân cây khác… cùng một số chế phẩm sinh học để phối trộn, ủ làm phân hữu cơ vi sinh bán cho những người trồng rau, cây cảnh…
Anh Đỗ Ngọc Hiệu cho biết: “Lúc đầu làm phân bón hữu cơ vi sinh cũng gặp nhiều khó khăn nên vừa làm vừa tìm hiểu, rút kinh nghiệm để phối trộn từng loại phân phù hợp với từng loại cây trồng khác nhau, đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bình quân mỗi năm tôi bán ra thị trường khoảng 130 tấn phân hữu cơ vi sinh, chủ yếu phục vụ những người trồng rau, cây cảnh và trồng cà phê, hồ tiêu… ở các tỉnh Tây Nguyên với giá bán 2.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 80 triệu đồng/năm”.
Không những tạo thu nhập ổn định cho gia đình với mức khá cao (180 triệu đồng/năm), cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của anh Hiệu còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương với mức thu nhập hơn 300 ngàn đồng/người/ngày.
Đặc biệt, thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xã Cát Minh đã triển khai nhiều biện pháp vận động nhân dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và chính anh là người đảm nhận thực hiện việc thu gom rác thải hữu cơ vừa để vừa ủ làm phân bón hữu cơ, vừa giải quyết được vấn đề xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Ông Châu Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh cho biết: “Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Hiệu còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn, lực lượng an ninh cơ sở và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn để mọi người cùng áp dụng. Đồng thời, anh còn góp phần đáng kể trong việc thu gom, xử lý rác thải hữu cơ, thực hiện có hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương”.
Nguồn: nongnghiep.vn