Cam chết hàng loạt, diện tích còn sống cũng leo lắt
Còn khoảng 1 tháng nữa sẽ đến tết Nguyên đán, khoảng 5 năm trở về trước thời điểm này mỗi khi đến một số địa xã, thị trấn của huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) như Thượng Bằng La, Minh An, Nông trường Trần Phú sẽ được chứng kiến một màu xanh thẫm của những vườn cam bát ngát trải dài từ đồi này sang nương khác; những cành cam sai xúc xỉu, quả mọng đỏ đang bước vào vụ thu hoạch. Nhà nhà, người người tất bật chăm sóc, tưới nước, cắt quả, thương lái đánh ô tô đến tận chân đồi để thu mua.
Ngược lại với hình ảnh đó, cảnh đìu hiu vắng vẻ đang diễn ra ơ thị trấn Nông trường Trần Phú (vựa cam lớn nhất, nhì của huyện Văn Chấn trước đây). Hàng trăm ha cam đã chết khô, nhiều diện tích đang lay lắt, hấp hối. Hàng chục hộ dân sau nhiều năm thu trái ngọt từ cây cam nay đang phải rầu rĩ vì chưa tìm được hướng đi mới phù hợp.
Gia đình ông Nguyễn Trọng Quân ở tổ dân phố 3, thị trấn Nông trường Trần Phú trước đây có hơn 1,5 ha cam đường canh được trồng từ năm 2012. Trong những năm được mùa, được giá đem lại thu nhập 500 – 600 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến 2020, diện tích cam của gia đình ông Quân bị mắc bệnh nấm virus, gây vàng lá, thối rễ chết dần chết mòn, không còn khả năng cứu chữa. Gia đình ông đã đã phải chặt bỏ dần từng phần diện tích để chuyển sang trồng quế.
Ông Quân giãi bày, cây cam đã từng mang lại thu nhập cao cho gia đình ông và nhiều hộ dân trong khu vực, vậy mà chỉ trong khoảng vài năm những vườn cam ở đây chết hàng loạt. Đã có cán bộ khuyến nông, nhà khoa học về tìm cách cứu chữa nhưng bất thành, nguyên nhân cam chết chủ yếu do nấm virus, vi khuẩn. Bên cạnh đó, kỹ thuật thâm canh chăm sóc của bà con chưa đảm bảo cho cây phát triển bền vững, các hộ dân lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học không đúng chủng loại, không đúng cách gây bạc màu đất, phát sinh nấm bệnh, do đó khi cây cam úa vàng thì không có phương pháp khắc phục hữu hiệu.
Lúc cao điểm, thị trấn Nông trường Trần Phú có tổng diện tích gần 500 ha cam, quýt. Giai đoạn từ năm 2010 – 2016 được coi là thời hoàng kim của cây cam trên vùng đất này, hàng năm thu hàng ngàn tấn quả, nhiều hộ dân có thu nhập từ 500 – 700 triệu đồng mỗi năm, thậm chí một số hộ có thu cả tỷ đồng.
Người dân thâm canh theo kiểu tận thu, vắt kiệt
Theo ông Dương Hữu Tư – Phó chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú, từ năm 2017 đến nay các vườn cam của người dân trong thị trấn xuất hiện tình trạng vàng lá, thối rễ chết hàng loạt. Hiện diện tích cam còn lại khoảng 50 ha, nhưng cũng đang trong tình trạng thoi thóp, người dân cũng không còn tha thiết chăm sóc.
Các ngành chức năng và nhiều nhà khoa học đã về nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân, kết luận do nguồn đất đã canh tác lâu năm nên đã bạc màu vì chuyển đổi từ những đồi chè sang trồng cam. Bên cạnh đó, vì cây cam cho thu nhập cao nên người dân đầu tư bạo tay để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học không theo quy chuẩn, nguyên tắc nên cam đã mắc bệnh thì không cứu vãn được. Chính quyền địa phương và người dân cũng đã đi nhiều nơi học hỏi tìm cách khắc phục nhưng đều bất thành. Một số hộ dân chặt bỏ cây chết, cải tạo đất trồng lại cũng vẫn chết hàng loạt.
Xã Thượng Bằng La cũng từng được biết đến là vùng đất của những triệu phú, tỷ phú cam, với những hộ gia đình có thu nhập lên tới cả tỷ đồng/vụ. Đến năm 2019, toàn xã có trên 500 ha với gần 1.000 hộ dân trồng cam. Sau khi nấm bệnh trên cây cam bùng phát, diện tích cam của xã đã suy giảm mạnh, hiện chỉ còn hơn 100 ha.
Ông Hoàng Đình Mưu – Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết, bên cạnh do nấm virus, nguyên nhân phần nhiều do chính quy trình thâm canh chăm sóc của người dân, làm cho nhiều đồi cam chết trắng. Việc lạm dụng thuốc diệt cỏ, phân hóa học làm hủy hoại đất. Nhiều hộ dân bón phân chuồng tươi chưa qua quy trình ủ hoai mục cũng gây hại cho cây. Nhiều hộ dân thâm canh theo kiểu tận thu, vắt kiệt như khoanh gốc cho ra quả sớm, để số lượng quả dày đặc và thiếu nước tưới làm cây cam không đủ sức đề kháng với nấm bệnh.
Thủ phủ cam suy giảm hơn 1.000 ha
Đến cuối năm 2023, toàn huyện chỉ còn hơn 1.000 ha cam các loại. Nhiều diện tích trong số này người dân dù không chặt bỏ nhưng cũng bỏ mặc không chăm sóc do bệnh vàng lá, thối rễ làm giảm chất lượng, năng suất quả.
Ông Phạm Nguyên Bình – Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, thời gian qua diện tích cam phát triển nhanh về số lượng, nhưng chất lượng chưa cao. Người dân trồng cam tự phát, không có quy hoạch, các diện tích trồng cam trên đất dốc chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, việc sử dụng giống không đảm bảo chất lượng.
Trong chăm sóc, chưa chú trọng việc tạo tán, tỉa cành cho cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản. Việc sử dụng phân bón hữu cơ (phân chuồng, hữu cơ vi sinh) không phù hợp các thời kỳ sinh trưởng của cây, sử dụng phân tươi chưa qua xử lý. Quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh không đảm bảo nguyên tắc 4 đúng về “chủng loại, thời điểm, liều lượng-nồng độ và phương pháp”.
Để khắc phục thiệt hại trên diện tích cam, huyện Văn Chấn đã phối hợp với các ngành chức năng mời các chuyên gia, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về cây ăn quả có múi của Viện Nông hóa Thổ nhưỡng, Viện bảo vệ thực vật, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Trung ương… đến để xác định nguyên nhân gây bệnh và tìm biện pháp khắc phục. Qua kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân gây bệnh là do một số loại virus, vi khuẩn lây lan ở môi trường đất và môi trường xung quanh từ các cây đã bị nhiễm bệnh, hiện chưa có biện pháp đặc trị để xử lý triệt để.
Đây là bệnh xuất phát từ chu kỳ trồng cây ăn quả có múi, sử dụng các biện pháp thâm canh lý, hóa học triệt để (lạm dụng thuốc hóa học), ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của cây cam, gây hủy hoại môi trường, không tuân thủ nguyên tắc thâm canh hữu cơ, sinh học bền vững.
Năm 2016, toàn huyện Văn Chấn có trên 2.500 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu là cam, quýt tập trung ở các xã, thị trấn như: Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An, Bình Thuận, thị trấn Nông trường Trần Phú,… Từ năm 2016 đến nay, hiện tượng cam nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ, chết khô diễn ra ở hầu khắp các vùng quy hoạch trồng cây ăn quả của. Mỗi năm làm suy giảm hàng trăm ha, trong khoảng 5 năm qua đã có trên 1.000 ha cam, quýt bị nấm bệnh chết khô, người dân phải chặt bỏ chuyển đổi cây trồng khác.
Nguồn: nongnghiep.vn