Ngày 2/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg. Đây là căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế – xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của vùng và của cả nước.
Để TP Cần Thơ triển khai thành công, hiệu quả quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.
Năm 2023, cơ bản các địa phương trong cả nước sẽ hoàn thành công tác quy hoạch bao gồm Quy hoạch Quốc gia, Quy hoạch ngành, vùng và tỉnh, thành phố. Để triển khai quy hoạch hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương dựa vào 3 trụ cột chính, chiến lược, lâu dài là con người, nguồn lực thiên nhiên và văn hóa, truyền thống, lịch sử của vùng. Bên cạnh đó, không thể thiếu sức mạnh của các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế.
Đối với Quy hoạch TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương bám sát các nghị quyết của Bộ Chính trị, cụ thể hóa chương trình, kế hoạch, dự án. Nhất là tập trung huy động các nguồn lực đầu tư từ Trung ương, sức mạnh nội sinh của thành phố. Từ đó tập trung đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, tiến đến giảm phát thải khí nhà kính.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút đầu tư FDI, muốn thực hiện tốt điều này TP Cần Thơ phải tạo được môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giảm bớt thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền. Tăng cường phối hợp, kết nối giữa các tỉnh thành trong vùng để thu hút đầu tư nước ngoài vào TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng kêu gọi các nhà đầu tư đến với TP Cần Thơ đầu tư nghiêm túc lâu dài. Gắn chiến lược đầu tư với các quy hoạch của vùng và thành phố, trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư là cơ hội để truyền tải thông điệp, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của TP Cần Thơ và nội dung Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến các địa phương trong nước, tổ chức quốc tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nhất là trong bối cảnh TP Cần Thơ đang thí điểm thực hiện cơ chế chính sách đặc thù phát triển.
Theo quy hoạch này, đến năm 2030, TP Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm tăng trưởng của vùng ĐBSCL. Là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô. Đồng thời đây cũng là trung tâm đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục – đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học – công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng.
Tầm nhìn đến năm 2050, TP Cần Thơ vươn lên là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, TP Cần Thơ sẽ tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông – thủy sản chuyên canh đạt tiêu chuẩn, đáp ứng từng nhóm thị trường. Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp.
Tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai sẽ hình thành các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Triển khai có hiệu quả và thu hút các doanh nghiệp chiến lược đầu tư kinh doanh vào Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Phát triển nông nghiệp đô thị góp phần xây dựng môi trường sinh thái, cảnh quan, cung cấp thực phẩm xanh, đô thị bền vững. Phát huy tối đa lợi thế Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh, quy hoạch được xây dựng đảm bảo thành phố phát triển đúng định hướng, phát huy tối đa ưu thế. Đồng thời đây là cơ sở để TP Cần Thơ tăng tốc, bứt phá, hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, thích ứng tình hình mới.
Trong quá trình lập quy hoạch, thành phố đã phối hợp, thực hiện rà soát đảm bảo phù hợp với quy hoạch quốc gia và vùng ĐBSCL, đúng quy trình tổ chức. Trong đó, xây dựng và xác định 56 dự án trọng điểm, thuộc 10 lĩnh vực về hạ tầng giao thông, thủy lợi liên vùng, xây dựng các chương trình, dự án của tiểu vùng liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương.
Dịp này, UBND TP Cần Thơ đã trao 44 biên bản ghi nhớ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó có nhiều dự án có tổng mức đầu tư dự kiến quy mô lớn như: Công ty TNHH Global Partnership nghiên cứu đầu tư dự án Khu phức hợp thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Motor GP, mức đầu tư dự kiến lên đến 1,4 tỷ USD; Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ nghiên cứu, khảo sát thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 2, quy mô 600ha, tổng mức đầu tư dự kiến 8.380 tỷ đồng…
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đặt vấn đề nghiên cứu đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Đại Nam nghiên cứu đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát đầu tư siêu thị tại huyện Phong Điền và Cờ Đỏ; Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát Dự án Trung tâm thương mại, siêu thị và Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL…
Nguồn: nongnghiep.vn