Năm 2023 ghi nhận bước phát triển vượt bậc của mặt hàng sầu riêng. Chỉ sau hơn 1 năm ký Nghị định thư với Trung Quốc, loại quả này vươn lên chiếm ngôi số một về kim ngạch xuất khẩu, với giá trị ước tính hơn 2 tỷ USD.
Sự bứt phá ngoạn mục của sầu riêng giúp ngành hàng rau quả thiết lập kỷ lục xuất khẩu gần 6 tỷ USD trong năm 2023, cao gấp rưỡi so với kỷ lục trước đó – 3,81 tỷ USD trong năm 2018. Rất nhiều chuyên gia, HTX và người nông dân đã coi sầu riêng là “kỳ tích” trong năm vừa qua.
Lấy ví dụ về chính sầu riêng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến cáo người nông dân phải giữ được thị trường, sau khi cơ quan Nhà nước lo tìm kiếm, kết nối thị trường và ký kết các hiệp định.
“Muốn giữ được thị trường thì bà con phải sản xuất đạt yêu cầu của thị trường, có sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã, bao bì, truy xuất… đều phải đạt. Như sầu riêng hiện nay đang phát triển tốt, xuất khẩu nhiều nhưng khi chủ quan đưa sản phẩm kém vào thì sẽ ách tắc ngay, gây nguy hiểm cho thị trường của mình, mất uy tín với bạn hàng, thị trường xuất khẩu”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh yếu tố này, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền phổ biến cho người dân bằng các hình thức khác nhau, như qua hệ thống báo chí, đài để thông tin cho kịp thời vào các khung giờ vàng như vào 6h sáng, 18h đến 19h tối hằng ngày, để bà con quan tâm theo dõi thuận lợi, tiếp thu các kiến thức hiệu quả cao nhất.
Cùng với đó, là phát hành sách cho người nông dân về khoa học, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Từ đó, bà con nông dân vừa có điều kiện học, vừa chia sẻ cho nhau cùng tiến bộ, cùng sản xuất giỏi hơn.
Vấn đề về thông tin thị trường, như trong chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, là mối quan tâm của nông dân Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX Hùng Thơm, Gia Lai.
Tại tỉnh Tây Nguyên, sầu riêng có diện tích chừng 4.000ha, ngoài ra là 25.000ha cây ăn quả khác. Đặc biệt, Gia Lai đang định hướng phát triển thành thủ phủ chanh leo của cả nước. Vấn đề mở cửa thị trường, vì thế, được nhiều người dân quan tâm.
Trả lời đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu nên được tiến hành đồng thời. Quan trọng nhất, là Bộ vẫn nắm bắt được tín hiệu thị trường và nắm bắt được nhu cầu của bà con để kịp thời thông tin.
Thời gian qua, Bộ Công thương đã tích cực triển khai Đề án “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, nhằm tuyên truyền, quảng bá tiêu thụ sản phẩm trong nước. Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố thiết lập kênh thông tin cảnh báo sớm để bà con có thông tin, dự báo trước. Hệ thống được cập nhật hằng tuần, có website để thông tin rộng hơn cho bà con tiếp cận.
“Xu thế hiện nay, chúng ta phải sản xuất nông nghiệp xanh, các nước phát triển áp dụng làm các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn kép liên quan đến bảo vệ môi trường, như về rừng liên quan đến môi trường nên chúng ta phải lưu ý”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ.
Một trong những kênh bán hàng hiệu quả hiện nay, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, là trên các sàn thương mại điện tử. Ông thông tin, vài năm gần đây, thương mại điện tử tăng trưởng rất tốt, từ 20-25%, chiếm tỷ trọng cao, gần 10% trong tổng sản phẩm tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cả nước. Đây cũng là giải pháp gần như duy nhất và hữu hiệu nhất trong giai đoạn Covid-19.
Quan trọng nhất, theo lãnh đạo Bộ Công thương, là khi đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử hoặc sàn thương mại quốc tế thì bà con phải lưu ý các vấn đề liên quan đến chất lượng, mẫu mã… bởi đó là tiêu chuẩn đặt ra trên các sàn thương mại điện tử. “Sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đòi hỏi phải mang tính hàng hóa, tuân thủ các tiêu chuẩn… mới ưu tiên đưa lên”, ông nói thêm.
Hiện Bộ Công thương và các ngành đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, với lượng giao dịch hàng chục triệu lượt/ngày.
Song song với đó, Bộ đã kết hợp với địa phương, các sàn thương mại điện tử để tập huấn, đào tạo cho bà con. Ngoài học lý thuyết còn thực hành trực tiếp, người dân còn có cơ hội trực tiếp khởi tạo các chương trình bán hàng.
Bộ Công thương cũng có một số chương trình ưu tiên hỗ trợ bà con tiêu thụ các nông đặc sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP để đưa ngay lên các sàn thương mại điện tử.
Đối với việc tiếp cận các sàn thương mại điện tử quốc tế, Bộ Công thương đang có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện hàng chục doanh nghiệp, với khoảng 10.000 sản phẩm đã được hỗ trợ và giao thương trên các sàn thương mại điện tử hàng đầu như Amazon, Alibaba…
Nguồn: nongnghiep.vn