Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân lần thứ 5, ngoài người đứng đầu Chính phủ và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, 8 lãnh đạo Bộ cùng tham gia điều hành phiên đối thoại.
Danh sách gồm: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú.
Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/báo điện tử Dân Việt – điều phối viên của chương trình cho biết, trước khi diễn ra Hội nghị đối thoại năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của bà con nông dân gửi đến Thủ tướng.
Trong đó, tập trung vào những chủ đề đầy tính thời sự hiện nay, đó là phát huy vai trò của nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững theo đúng chủ đề của Hội nghị ngày hôm nay.
Ngoài ra, là các câu hỏi về những giải pháp để gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp; thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, thương hiệu nông sản; các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội của người nông dân.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn chào mừng 300 đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm và hơn 4.000 cán bộ, hội viên nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học; phóng viên báo, đài Trung ương và các địa phương đã tham dự và đưa tin về Hội nghị tại các điểm cầu trên cả nước.
Ông Đoàn chia sẻ, qua 4 lần tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thủ tướng chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, được đông đảo nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia.
Đó là nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ nông dân, nhất là nông dân trẻ khởi nghiệp; chính sách an sinh xã hội, quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Hội nghị năm nay càng ý nghĩa hơn khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và thành công rực rỡ của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Sáu nhóm vấn đề được ông Đoàn liệt kê từ 2.000 ý kiến của nông dân cả nước, trước sự lắng nghe của Thủ tướng. Trong đó, người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân nhấn mạnh tới nguyện vọng của bà con khi tham gia những chương trình liên quan tới tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn như: đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, chương trình giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đại biểu chia sẻ cụ thể những băn khoăn, trăn trở về nông nghiệp, nông dân, nông thôn kể từ sau Đại hội XIII của Đảng; hoặc những thông tin, động viên, tạo khí thế, động lực mới góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị.
Ông cho rằng, cuộc đối thoại hôm nay diễn ra vào thời điểm đặc biệt, khi cả nước đã đi qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Thủ tướng đề nghị đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện, bao trùm, đồng thời đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới để thực hiện mục tiêu “nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái”, tri thức hóa nông dân.
Nguồn: nongnghiep.vn