Kết luận tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân chiều 30/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao cuộc đối thoại đã đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau, góp phần giải quyết được một số vướng mắc, ách tắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thủ tướng giao các bộ ngành, cơ quan tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện, trình ban hành sản phẩm cụ thể, phù hợp sau Hội nghị để tổ chức triển khai hiệu quả, đồng bộ.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp,nông dân, nông thôn trong tiến trình phát triển đất nước.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào thành tựu chung của đất nước là rất to lớn và hết sức quan trọng; khẳng định được vai trò và vị trí, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Những năm qua, nông nghiệp nước ta đã đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Đặc biệt, tăng trưởng GDP nông nghiệp năm 2023 ước đạt tới 3,83% – cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn duy trì ở mức cao với 10 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên. Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo với tổng giá trị 4,8 tỷ USD. Đã có 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng nêu rõ, việc phát triển nông nghiệp tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua vẫn chủ yếu dựa trên “tư duy sản xuất”, cần nhanh chóng chuyển đổi sang “tư duy kinh tế”, tích hợp đa giá trị, gắn với phát triển xanh và bền vững .
Nông thôn đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhiều nơi đang chuyển sang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy vậy, việc đầu tư, quy hoạch nông thôn còn bất cập, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn diễn ra ngày càng nhức nhối; vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa nông thôn, an ninh trật tự ở nông thôn đang đặt ra nhiều thách thức mới.
Nhận thức về vai trò, vị thế và trình độ giác ngộ của nông dân có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ, toàn diện; cơ chế, chính sách để người dân phát huy quyền làm chủ chưa được hoàn thiện, nguồn lực hạn chế.
Nông dân có vai trò chủ thể
Để phát huy quyền làm chủ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho bà con nông dân, đồng thời triển khai thắng lợi, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, Hội Nông dân Việt Nam tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và vị thế chính trị của nông dân Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao ý chí quyết tâm, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, ý chí tự lực, tự cường, thực hiện khát vọng làm giàu, góp phần phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững và nông dân thật sự có đời sống ấm no, hạnh phúc. Làm mới những động lực cũ và bổ sung thêm các động lực phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho nông dân.
Hai là, nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh, sạch và an toàn, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, tích cực hội nhập quốc tế… Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải thấp, hiệu quả cao và bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học – công nghệ, và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập người nông dân.
Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT, các địa phương khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn, người dân tích cực tham gia triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”;
Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và động lực để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; quán triệt phương châm “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Ba là, nhận thức đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nông dân phải là chủ thể nhận thức, quán triệt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Nông dân là chủ thể thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn, là chủ thể của mọi quá trình kinh tế ở nông thôn, nông dân chính là người lựa chọn phương thức sản xuất, cách thức kinh doanh, dịch vụ.
Do đó, phải làm sao để người nông dân hiểu, nhận thức, thấm nhuần chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chính quyền các cấp tăng cường quản lý, bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước, đồng thời vận động nguồn lực xã hội cho quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình điểm trong phát triển nông nghiệp ở nông thôn.
Năm là, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Sáu là, chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân.
Bảy là, tập trung triển khai nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt các đề án, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đến các chương trình, đề án về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu.
Tám là, tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, xác định là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, là lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, làm thay đổi mạnh mẽ chuỗi sản xuất – chế biến – kinh doanh nông sản.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với khí thế mới, động lực mới, từ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028, nhất là việc đề ra mục tiêu “Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, nông nghiệp, nông thôn nước ta ngày càng phát triển và nông dân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế ngày càng quan trọng.
Nguồn: nongnghiep.vn