Hội thảo “Đất và Phân bón” tổ chức ngày 2/10 tại Cần Thơ nhằm là đánh giá thực trạng độ phì thực tế của đất trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong vòng 5 năm gần đây, từ đó đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân và giảm phát thải khí nhà kính.
ĐBSCL hiện nay có diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 3 triệu ha, góp 50% tổng sản lượng gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đánh giá thì vùng đất này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trong thời gian tới do sử dụng phân bón vô cơ chưa cân đối, chưa tuân thủ các quy trình canh tác tiên tiến đã làm mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, làm ảnh hưởng đến các tính chất lý, hóa và sinh học đất…
Đất ĐBSCL có 3 vùng sinh thái, vùng ven biển có chỉ số Ca/Mg dưới 1, thể hiện mất cân đối nghiêm trọng. Chỉ số pH cả 3 vùng đều là đất chua có pH từ 5.0 – dưới 5,5. Ngưỡng pH tối ưu cho lúa để cây lúa phát triển tốt thường nằm trong khoảng từ 5.5 – 6.5.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt dự báo: ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trong thời gian tới bởi đây là một trong những điểm nóng trên toàn cầu về biến đổi khí hậu, hạn hán dài ngày, với vị trí 3 mặt Đông, Tây, Nam giáp biển Đông và biển Tây Nam, có đường bờ biển dài hơn 700km, ĐBSCL gặp phải những vấn đề cấp bách do biến đổi khí hậu như nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa và đời sống bà con nông dân.
Áp lực thâm canh tăng vụ dẫn đến việc sử dụng phân bón không hợp lý đã làm cho chất lượng đất giảm đi, có thể nói là làm cho đất bị suy thoái. Tại các vùng đất lúa ba vụ của Đồng Tháp, An Giang… Qua thời gian, để duy trì năng suất, nông dân buộc phải tăng lượng phân bón trên đồng ruộng, dẫn đến lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Việc canh tác lúa tại ĐBSCL hiện nay bị bạc màu, trong đó có nguyên từ nông dân đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng, hay cày vùi rơm rạ ngay sau thu hoạch mà chưa được xử lý. Việc này không chỉ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường mà còn làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng. Việc cày vùi rơm rạ chưa qua xử lý, đất luôn ngập nước sẽ làm ảnh hưởng đến chất hữu cơ trong đất, lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ và gây ra hiệu ứng nhà kính.
Đồng Tháp là tỉnh đứng thứ ba vùng ĐBSCL về sản lượng lúa sau Kiên Giang và An Giang. Theo đại diện Sở NN-PTNT Đồng Tháp, ở Đồng Tháp có 4 nhóm đất chính. Nhóm đất phù sa chiếm 59% diện tích đất tự nhiên, phân bố khắp 10 huyện, thành phố; Nhóm đất phèn chiếm 26%; Nhóm đất xám chiếm 8,6% diện tích tự nhiên và Nhóm đất cát chiếm 0,04% diện tích tự nhiên.
Những năm qua, Đồng Tháp đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, dự án áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: Chương trình sản xuất rau an toàn, hữu cơ, canh tác bền vững, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, giảm dần phân bón hóa học, hóa chất trong nông nghiệp… đã khai thác và sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, góp phần không nhỏ để cải tạo, nâng cao chất lượng đất, góp phần gia tăng giá trị kinh tế trên diện tích canh tác.
Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền cho biết: Việc nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa, qua các quy trình canh tác lúa thông minh gắn tăng trưởng xanh, phát thải thấp vùng ĐBSCL nằm trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cho kết quả tích cực trong vụ hè thu 2024.
Trong đó, trọng tâm là giảm lượng giống (còn dưới 80kg/ha), ứng dụng công nghệ vào trong việc sạ lúa. Tuân thủ quy trình rút nước ướt khô xen kẽ, đây là điều quan trọng để giúp lượng khí phát thải trên đồng ruộng và giúp rễ lúa ăn sâu hơn. Đồng thời còn hạn chế quá trình đổ ngã của cây lúa và cuối cùng là không đốt đồng mà đem rơm sau khi thu hoạch để phục vụ mục đích khác.
Kết quả vụ hè thu 2024, tại những mô hình trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được triển khai ở các vùng sản xuất tại ĐBSCL cho thấy, việc áp dụng quy trình gieo sạ chính xác có kết hợp vùi phân và ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật giúp mô hình đạt năng suất 7,2 tấn/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 0,315 tấn/ha.
Từ đó, giúp nông dân giảm được chi phí đầu tư hơn 4,2 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm 5,4 triệu đồng/ha. Các chỉ số về phát thải được ghi nhận giảm hơn so với ruộng ngoài mô hình vốn được canh tác theo tập quán cũ.
Ngoài ra, Phân bón Bình Điền cũng báo cáo về việc nghiên cứu và cho ra đời dòng sản phẩm Đầu Trâu Bio nhằm khắc phục một số tồn tại của đất lúa ĐBSCL như phèn, xâm nhập mặn, ngộ độc hữu cơ. Các mô hình đã được thực hiện tại một số tỉnh như Long An, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bình Định và Tây Ninh…
Tại hội thảo, Phân bón Bình Điền đã ký kết thỏa thuận hợp tác với IRRI về nghiên cứu, đánh giá và phát triển công nghệ xử lý rơm rạ trên đồng ruộng giai đoạn 2024-2027; Thỏa thuận hợp tác giữa Bình Điền và các doanh nghiệp về thực hiện canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính vùng ĐBSCL giai đoạn 2024-2027.
Nguồn: nongnghiep.vn