Chỉ cần gõ Google tìm chữ “thuốc bảo vệ thực vật” là có tới 69,8 triệu kết quả được tìm thấy chỉ trong 0,29 giây. Điều này cho thấy, nhu cầu tìm kiếm là rất lớn.
Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách để lựa chọn và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng, trúng và đủ. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, vì lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp, có nhiều biện pháp để né “soi chiếu” của cơ quan chức năng, nhập lậu kinh doanh các loại vật tư phân bón, thuốc BVTV. Gây ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.
Là người thường xuyên tiếp xúc với bà con nông dân các vùng miền, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới cho biết, quá trình sử dụng thuốc BVTV, phân hóa học của bà con nông dân đã đem lại nguồn lợi, nhưng cũng để lại hậu quả rất lớn, nguy cơ trong tương lai gần.
“Bởi, hiện nay toàn bộ đất nông nghiệp của chúng ta bị suy thoái rất nhiều vì lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học. Có những nguyên tố hóa học từ thiếu đã trở thành thừa. Chúng tôi có dịp lên Tây Nguyên, thấy người ta vác những bao 10kg, hỏi thì bảo là “bón vi lượng cho cà phê”. Đây không phải là lỗi của người nông dân, họ chỉ mong có mùa vụ thuận lợi.
Chính điều này, lâu dần đã khiến cho đất nông nghiệp của chúng ta mất cân bằng, chuyển theo hướng xấu, nên dù nông dân đầu tư phân bón vào nhưng lại không thấy năng suất mà chi phí cho phân bón, thuốc BVTV lại quá cao. Do đó, Chính phủ và Bộ NN-PTNT cũng đã khuyến khích canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ”, TS Nghĩa nói.
TS Nghĩa nêu thực tế tại các vùng nông thôn, trong quá trình canh tác, gặp sâu bệnh trên cây trồng, người nông dân rất lo lắng, sợ ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ. “Công tác phòng bệnh thì yếu, đến khi bị sâu bệnh tấn công thì mua thuốc BVTV có khi mắc, rồi ai chỉ thuốc gì mua thuốc đấy để dập tắt ngay. Nhiều khi họ không biết thuốc đó là thuốc gì, sản xuất ở đâu, có phải nhập lậu hay không.
Có cầu thì có cung, thuốc nhập lậu từ các nguồn, nhưng nhiều nhất là từ Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch mang lại rất nhiều tác hại, ảnh hưởng cả đến người sử dụng, đến môi trường nông thôn và đến cả nông sản Việt Nam. Đấy là cái mà chúng ta phải ngăn chặn nhanh nếu không sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Và chúng ta cũng phải nghĩ đến bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ chính người dân của mình”, TS Nghĩa nói và khẳng định, vai trò của cơ quan quản lý, khuyến nông, Sở NN-PTNT… là rất lớn trong việc hướng dẫn, kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là việc buôn bán kinh doanh thuốc BVTV nhập lậu.
Phân tích về nguyên nhân nhập lậu thuốc BVTV vẫn diễn ra, ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp thuốc BVTV có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (CropLife) cho rằng, nhiều người vẫn thích dùng thuốc BVTV cũ, đã cấm nhập khẩu và sử dụng; nhập tiểu ngạch không bị thuế khiến giá thành thấp hơn so với thuốc bán trên thị trường, “điều này người dân sẽ thích hơn”.
Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc BVTV nhập lậu, trên bao bì không có tiếng Việt, thậm chí không có nhãn mác, không hiểu rõ nguồn gốc, cách sử dụng của thuốc… dẫn đến sản phẩm không những không có hiệu quả mà còn tổn hại đến môi trường.
“Thuốc BVTV thông qua đường tiểu ngạch hoàn toàn là thuốc cấm, gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng rất lớn. Vì vậy, cần tăng cường kiểm soát, siết chặt đường cửa khẩu, hạn chế nhập lậu thuốc BVTV. Đồng thời, quản lý một cách hiệu quả không những để người nông dân sử dụng đúng loại thuốc, nguồn gốc mà còn tuân thủ an toàn thực phẩm”, ông Đặng Văn Bảo nói và khẳng định, thuốc BVTV được phép kinh doanh trên thị trường đều phải tuân thủ việc ghi nhãn mác, khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, đặc biệt ghi rõ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng.
Theo ông Lê Văn Thiệt, Cục Phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hầu hết thuốc BVTV phải nhập khẩu từ nước ngoài, do đó phải kiểm soát từ khâu nhập khẩu, sản xuất và lưu thông ra thị trường.
Đối với việc quản lý thuốc BVTV lưu thông trên thị trường, quy định của chất lượng sản phẩm thuốc BVTV thuộc hàng hóa nhóm 2, do đó khi lưu thông trên thị trường bắt buộc phải có công bố, chứng nhận hợp quy định kỹ thuật tương ứng theo các tiêu chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, khi lưu thông trên thị trường, buôn bán sử dụng phải chịu sự quản lý của thanh tra chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, lực lượng Quản lý thị trường.
“Các hành vi vi phạm về chất lượng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Công tác kiểm định chất lượng thuốc BVTV trong thời gian qua và hiện nay được kiểm soát chặt chẽ từ khi nhập khẩu, cho đến khi sản xuất, lưu thông, phân phối trên thị trường toàn quốc”, ông Lê Văn Thiệt khẳng định.
Nguồn: nongnghiep.vn