Thưởng Tết ít “quen rồi”
Những ngày giữa tháng Chạp ở Trạm Tấu, thời tiết giá rét như cắt da cắt thịt, theo con đường quanh co dốc đứng, chúng tôi đến thăm điểm trường Tà Chơ, đây là 1 trong 4 điểm lẻ của trường mầm non Bình Minh, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái).
Dưới ánh nắng sớm, cô giáo Hoàng Thị Hải đang ngồi chải tóc cho các em nhỏ bên hè lớp học. Điểm trường Tà Chơ chỉ có 1 lớp học với 15 trẻ từ 3 – 5 tuổi, tất cả các em đều là người dân tộc Mông, đa phần đều thuộc diện hộ nghèo.
Tại điểm trường này, chỉ có một mình cô giáo Hoàng Thị Hải phụ trách. Sinh năm 1991 ở huyện Hải Hậu (một huyện miền biển của tỉnh Nam Định), năm 2011 sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm của tỉnh, Hải đã quyết định đến huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) để xin làm giáo viên mầm non. Sau hơn 13 năm gắn bó với biết bao gian truân, vất vả, đã làm cô giáo Hải thêm yêu mảnh đất vùng cao với núi non trùng điệp và những con người gần gũi, bình dị nơi đây.
Cô giáo Hoàng Thị Hải chia sẻ, ngày còn nhỏ lên thăm gia đình người bác ở Trạm Tấu, có ấn tượng sâu sắc với phong cảnh núi rừng ở đây, nên sau khi ra trường đã quyết định đến đây dạy học. Hiện nay, mỗi tháng mức thu nhập của Hải khoảng hơn 10 triệu đồng gồm tiền lương và phụ cấp, nếu chi tiêu tiết kiệm cũng đủ trang trải cuộc sống của 3 mẹ con.
Cô giáo Hải bộc bạch, sau khi li hôn với chồng vì cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, một mình đã nhận nuôi 2 con. Những năm trước, phải gửi về Nam Định nhờ ông bà ngoại chăm sóc, nhưng năm học này Hải đã đưa 2 con lên thị xã Nghĩa Lộ thuê nhà ở và cho các con học tập và sinh sống tại đây.
Hàng ngày, từ điểm trường về nhà khoảng hơn 20km, đường núi cheo leo, mỗi lượt đến trường và về nhà hơn 1 giờ đồng hồ, còn những ngày mưa lũ thì vất vả hơn nhiều, thậm chí phải ở lại lớp. Còn 1 tuần nữa, các trường học ở Yên Bái sẽ cho giáo viên, học sinh nghỉ Tết, năm nay Hải dự định sẽ đưa các con về quê ăn Tết cùng ông bà ngoại.
Khi được hỏi về chuyện thưởng Tết, giọng Hải trùng xuống: “năm nào nhà trường cũng tặng quà cho giáo viên, ít thì mỗi người được thưởng 200.000 đồng, năm nhiều thì 500.000 đồng. Chuyện thưởng Tết ít ỏi quen rồi, nên năm nay cũng không hi vọng vì biết sự khó khăn chung của ngành Giáo dục. Nghĩ cũng tủi, đi làm cả năm mới về quê, một thân nuôi 3 miệng ăn nên không có nhiều tiền để mua quà biếu bố mẹ. Vậy nhưng được về quê ăn Tết với người thân là thấy vui rồi, lấy tình cảm để bù đắp cho sự vất vả của ông bà, thấy cũng còn may mắn hơn nhiều người khác.”
Nỗ lực của nhà trường
Rời điểm trường Tà Chơ, chúng tôi đến thăm trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Toàn trường có 643 học sinh ở 20 lớp học với 100% là người dân tộc Mông. Ngôi trường nằm cách trung tâm huyện hơn 12 cây số. Khoảng hơn 10 giờ sáng nhưng mây mù vẫn giăng kín, cái tên Bản Mù cũng chính bởi nét đặc trưng này.
Cô giáo Phạm Thị Thanh quê ở Thái Bình đã gắn bó với ngôi trường này 14 năm nay. Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, năm 2010 sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Hải Dương, cô gái 21 tuổi vượt quãng đường hơn 400 cây số, lên Trạm Tấu xin làm giáo viên. Hiện nay, cô Thanh đã lập gia đình và sinh sống tại huyện Trạm Tấu, vì đường xá đi lại khó khăn, khoảng 2 – 3 năm, Thanh mới về Thái Bình ăn Tết với bố mẹ một lần.
Cô Thanh kể, những năm đầu mới lên đây, ngày nào cũng khóc vì nhớ nhà, nhiều lúc khó khăn vất vả cũng thấy nản lòng muốn bỏ về quê với gia đình. Hàng ngày vượt quãng đường hơn chục cây số đường núi “nắng bụi, mưa lầy” đến trường dạy chữ cho các em học sinh người Mông. Thời gian thấm thoát qua đi, chính những nụ cười thơ ngây của học sinh cùng những gian truân đã khiến cô Thanh thêm gắn bó, coi mảnh đất này là quê hương thứ hai của mình.
Chia sẻ về câu chuyện thưởng Tết, cô giáo Thanh cho biết, cũng như nhiều giáo viên khác, mỗi dịp Tết các thầy, cô chỉ được thưởng vài trăm nghìn gọi là tượng trưng. Cũng không thể đòi hỏi được vì đây là câu chuyện chung của giáo viên và các trường học. Tết đến, khi nhiều người được đoàn viên bên bố mẹ, người thân, cô càng thêm chạnh lòng. Người mẹ già thường xuyên đau ốm mà cũng chỉ biết thăm hỏi qua điện thoại. Vì điều kiện con nhỏ, đường xa nên năm nay, gia đình nhỏ của cô sẽ ở lại Trạm Tấu đón năm mới, dịp Tết này chỉ mua chút quà quê như măng, chè, miến để gửi về biếu gia đình.
Thầy giáo Nguyễn Chí Anh – Phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Bản Mù cho biết, nhiều giáo viên trong trường có hoàn cảnh khó khăn, một số thầy cô ở các tỉnh xa như Hải Dương, Nam Định, Sơn La đến đây dạy học. Đường giao thông đi lại vất vả bởi địa hình đường đồi núi quanh co. Đối với mức lương và phụ cấp của các thầy cô mới ra trường khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng, lâu năm thì hơn 10 triệu đồng/tháng, nếu tiết kiệm thì cũng đủ trang trải cuộc sống, ít người có điều kiện dư dả.
Do nguồn ngân sách hạn hẹp, tập trung chi phí cho hoạt động chung của nhà trường và đảm bảo chi công tác phí đầy đủ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nên đơn vị không có nguồn chi tiền thưởng Tết cho họ. Năm nay, nhà trường tiết kiệm chi, cố gắng động viên mỗi thày cô từ 500 – 700 nghìn đồng thưởng Tết.
Bà Nguyễn Thị Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết, hiện huyện mới hoàn thiện chế độ chi trả lương cho cán bộ, giáo viên. Chế độ thưởng Tết sẽ theo quy chế chi tiêu nội bộ của từng trường.
Theo bà Hà, đối với Tết Âm lịch, nhà trường sẽ cân đối các khoản thu chi để thưởng cho cán bộ, giáo viên. Khen thưởng cho giáo viên có thành tích xuất sắc theo quy định. Tuy nhiên, các khoản thưởng chỉ mang tính tượng trưng với khoản tiền nhỏ, do đa phần các trường trên địa bàn không có nguồn thu thêm, các khoản chi tiết kiệm gần như hoàn thiện theo năm nên việc chi thưởng không có hoặc chỉ hỗ trợ được phần nào đó tùy từng trường.
Thực tế, hiện không có quy định nào về thưởng Tết, quà Tết đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên ở trường học. Nhưng nếu có thêm phần thưởng chắc chắn sẽ mang lại niềm vui dịp đầu năm mới, động viên mỗi nhà giáo thêm động lực gắn bó tâm huyết với nghề.
Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về nhiều trường học ở Yên Bái đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn như chương trình “Tết vì bạn nghèo” nhằm quyên góp ủng hộ tặng quà cho học sinh.
Mỗi trường học có cách thức tổ chức hoạt động trải nghiệm khác nhau như gói bánh chưng, giã bánh dày, soạn cỗ tất niên, tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của đồng bào các dân tộc… nhưng đều chung một mục đích là giúp cho giáo viên, học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn của dân tộc, những giá trị tốt đẹp mà ngàn đời nay cha ông đã giữ gìn.
Tại các chương trình, nhiều phần quà như bánh chưng, bánh dày và một số loại mặt hàng thiết yếu được tặng cho học sinh, giáo viên. Ngoài ra, từ nguồn quỹ công đoàn ngành Giáo dục, các trường học đã tặng các suất quà cho giáo viên khó khăn, góp phần giúp thầy cô có thêm nghị lực, vươn lên trong cuộc sống, đón Tết cổ truyền thêm ấm áp, vui tươi.
Nguồn: nongnghiep.vn