Hệ thống giám sát sản xuất lúa RiceMoRe vừa ra mắt tại TP.HCM mới đây là kết quả sau quá trình nghiên cứu, xây dựng, phát triển và hoàn thiện bởi Cục Trồng trọt, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cùng Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI). Đặc biệt là sự hỗ trợ từ Chính phủ NewZealand.
Ông Scott James, Tổng lãnh sự kiêm Tham tán Thương mại New Zealand cho biết, Chính phủ NewZeland đã hỗ trợ Việt Nam và các nước khác thông qua sáng kiến của CGIAR (Consultative Group for International Agricultural Research – Nhóm tư vấn nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế), đặc biệt là sáng kiến bảo vệ các vùng đồng bằng châu thổ lớn ở châu Á thông qua tạo dựng hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững, có khả năng ứng phó tốt hơn với các vấn đề của biến đổi khí hậu.
Theo ông Ole Sander, Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu (Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế), sản xuất lúa gạo mang lại sinh kế cho hàng triệu người và đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo cũng là nguồn phát thải khí metan rất lớn, đây là một trong những khí nhà kính có tác động rất lớn đối với sự nóng lên toàn cầu.
Việc ra mắt ứng dụng RiceMoRe là dấu mốc quan trọng không chỉ đối với những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam mà còn thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
“Việt Nam có lịch sử lâu đời là một quốc gia đứng đầu về sản xuất lúa. Sự ra mắt RiceMoRe thể hiện mạnh mẽ sự đi trước của Việt Nam trong đổi mới công nghệ sản xuất lúa gạo. Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa trong khu vực”, ông Ole Sander nhấn mạnh.
Hệ thống RiceMoRe cho phép hỗ trợ các cán bộ nông nghiệp thu thập và báo cáo dữ liệu từ các địa phương và báo cáo lên cấp trên. Những dữ liệu này rất quan trọng trong việc ước tính lượng phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa và đây là những dữ liệu mà hiện nay chưa có nước nào có thể thu thập và theo dõi được để hỗ trợ việc ước tính phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa.
Ngoài ra, hệ thống này có thể hỗ trợ Việt Nam theo dõi thực hiện các cam kết giảm phát thải như cam kết giảm phát thải khí metan hoặc các cam kết đối với Hiệp định Paris thông qua việc thu thập các thông tin cụ thể, chính xác các hoạt động canh tác lúa dẫn đến giảm phát thải khí nhà kính.
Hệ thống này có tiềm năng xây dựng các thị trường carbon trong nông nghiệp thông qua việc khuyến khích nông dân áp dụng thực hành giảm phát thải trong canh tác lúa, thúc đẩy sự minh bạch, chính xác trong quản lý dữ liệu, sản xuất lúa gạo bền vững.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, từ năm 2018 đến nay, ngành trồng trọt phối hợp IRRI xây dựng ý tưởng chuyển đổi số trong theo dõi và báo cáo hoạt động sản xuất, đưa vào thử nghiệm, cải tiến các phiên bản RiceMoRe (Rice Monitoring and Reporting system), có thể ứng dụng trên web và mobile app.
Tháng 7/2024, hệ thống RiceMoRe được đánh giá và cấp chứng nhận an toàn thông tin. Đến ngày 4/7/2024, Bộ NN-PTNT ra quyết định đề nghị sử dụng RiceMoRe làm công cụ MRV (công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính) cho các mô hình thí điểm.
Hệ thống RiceMoRe chính thức được Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp và Cục Trồng trọt quản lý và vận hành vào ngày 9/9/2024. Dự kiến đến cuối năm 2024, RiceMoRe sẽ được nhân rộng tại 28 tỉnh, thành.
Rice MoRe có cơ chế cảnh báo dịch hại, cảnh báo sớm rủi ro thiên tai, bảo hiểm nông nghiệp và lập kế hoạch dự trữ, xuất khẩu. Trên cơ sở ứng dụng trong sản xuất lúa gạo, ngành trồng trọt có thể ứng dụng RiceMoRe làm nền tảng để phát triển các hợp phần theo dõi và báo cáo sản xuất cho khoảng 30 sản phẩm trồng trọt khác.
Nguồn: nongnghiep.vn